Khi ở vào hoàn cảnh bị buộc tội, bị từ chối và chỉ trích, thực sự con người khó tránh khỏi cảm giác vô cùng khó chịu.
Thế giới nội tâm của con người như một bánh xe không ngừng luân chuyển, và ai cũng mong tìm kiếm cho mình một chốn bình an, thanh thản, được sống trong hạnh phúc giữa sự xô bồ của cuộc đời.
Nhưng khi gặp chuyện không như ý, phản ứng đầu tiên của chúng ta vẫn là bực bội, tức giận.
Cho dù, đọc nhiều sách hay rèn luyện nhiều hơn về việc kiểm soát cảm xúc đi nữa thì để đạt được đến trạng thái đại trí tuệ không giận dữ là cả một quá trình rất dài. Mà trên hành trình đó, không thể thiếu nhân tố quan trọng, chính là năng lực.
Phải có đủ năng lực để giải quyết tình hình, người ta mới có thể bình tĩnh ung dung, khống chế cơn giận dữ từ bên trong để thể hiện sự độ lượng, rộng rãi của mình, chứ không phải cảm giác uất ức nhún nhường, chịu đựng những chuyện bất công chỉ vì “dĩ hòa vi quý”.
Giống như một người đi mua sắm, nếu có rủng rỉnh trong tay, bạn có thể từ chối những mặt hàng xa xỉ vì nhiều lý do.
Nhưng nếu trong tay nghèo túng, nếu bạn từ chối không mua, người ta sẽ không tin bất cứ lý do gì ngoại trừ việc bạn nghèo, không đủ tiền mà mua mặt hàng đó.
Việc lựa chọn và “bị ép” lựa chọn là hai hành động hoàn toàn khác nhau về bản chất, và cảm giác mà nó đem lại cho chủ thế hành động cũng vô cùng khác biệt.
Vậy, làm thế nào để có đủ năng lực bỏ qua những lời chỉ trích, buộc tội mà không tức giận, cũng không thấy uất ức?
Trước hết, chúng ta cần phải nhận thức được rằng, tại sao bản thân lại tức giận khi bị người khác buộc tội, từ chối hoặc chỉ trích?
Một chuyên gia tư vấn tâm lý từng viết rằng, nguyên nhân sinh ra sự phẫn nộ có thể tổng kết bằng hai điều: công nhận từ trong tiềm thức và tự công kích bản thân.
Ví dụ như, nếu ai đó nói bạn xấu, bạn tức giận, điều đó có nghĩa là bạn cũng nghĩ như vậy. Nếu không, bạn sẽ chỉ mỉm cười.
Chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái tức giận nếu vô thức đồng ý với những lời buộc tội của người khác. Hành vi này thường đến từ trong tiềm thức mà bản thân chúng ta không nhận ra.
Lại ví dụ như, nếu có người nói: "30 tuổi rồi mà vẫn chưa kết hôn thì đúng là có vấn đề."
Nếu bạn tức giận sau khi nghe câu này, điều đó chứng tỏ bạn cũng nghĩ rằng, chưa kết hôn khi ở độ tuổi 30 là điều không hay và có suy nghĩ tự trách mình vì điều đó.
Nếu bạn yêu tự do và tận hưởng tình trạng độc thân của mình thực sự, bạn sẽ không phản ứng gay gắt với những nhận xét như vậy.
Có thể thấy rằng, bạn tự công kích chính mình trước khi bạn bị người khác công kích. Chính những tâm lý xuất hiện trong tiềm thức này khiến cảm giác phẫn nộ sinh ra.
Cho nên, nếu muốn rèn luyện sự bình tĩnh thong dong, chúng ta trước hết phải thay đổi hệ thống đánh giá riêng của mình. Bạn có quan điểm thế này về tôi, nhưng tôi có quan điểm khác về mình.
Bạn thấy tôi xấu, tôi thấy mình đẹp; bạn thấy tôi béo, nhưng tôi thấy bản thân đủ hấp dẫn; bạn cho rằng tôi ích kỷ, tôi nghĩ mình đủ rộng lượng để bỏ qua.
Khi có thể tách biệt rõ ràng “quan điểm của người khác” với “quan điểm của chính mình”, sự tức giận, phẫn nộ hay khó chịu sẽ biến mất.
Lúc này, tâm trí nội tại con người chúng ta đã trở nên kiên định và chắc chắn, sẽ không vì một câu nói bên ngoài mà lay động, bất an. Cho nên, chúng ta có đủ năng lực để bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, từ chối hay buộc tội mà luôn tự tin về chính mình.
Những kẻ thường xuyên chỉ trích người khác luôn tồn tại cảm giác tự ti trong lòng. Họ chỉ có thể thu hoạch được một chút tự tin đáng thương thông qua việc dẫm đạp, tìm cách kéo những người xung quanh xuống.
Chính vì bất mãn với bản thân, họ đặc biệt thích chỉ trích thế giới bên ngoài.
Ví dụ như, một người không có tiền của trong tay nhìn thấy kẻ khác tiêu xài xa xỉ sẽ cảm thấy khó chịu, chỉ trích người kia “khoe của”, “hoang phí”, “không biết giá trị đồng tiền”...
Họ khẩu thị tâm phi mà bình luận một câu “Có tí tiền thôi mà, đặc biệt gì hơn ai cơ chứ?”, lấy đó làm điều tự an ủi mình.
Khi nhận ra sự tồn tại của loại tâm lý này, chúng ta có thể thấy rằng, những kẻ miệng nói một đằng nhưng lòng nghĩ một nẻo, ngoài mặt chỉ trích nhưng trong tâm lại hâm mộ thực chất cũng vô cùng đáng thương. Khi họ công kích tôi, đồng thời, họ cũng đang công kích chính mình.
Như vậy, chúng ta còn cần tức giận nữa hay sao?
Giống như câu chuyện về cách đức Phật đối xử với kẻ thiếu tôn trọng mình:
Một người đàn ông cắt ngang bài giảng của đức Phật bằng một tràng thóa mạ.
Ngài bèn chờ cho anh ta dứt lời mới hỏi, “Nếu ai đó tặng người khác một món quà nhưng người đó từ chối thì món quà sẽ thuộc về ai?”
“Tất nhiên là thuộc về người đem tặng”, người đàn ông đó đáp.
“Vậy thì,” đức Phật nói, “Ta từ chối không nhận những lời phỉ báng của ngươi và yêu cầu ngươi giữ nó lại cho mình”.
Đem một nắm muối bỏ vào cốc nước, cốc nước trở nên mặn chát. Đem một nắm muối bỏ vào hồ nước, hồ nước vẫn ngọt lành. Lòng người cũng vậy, càng nông cạn càng dễ biến chất, càng sâu sắc càng khó lung lay.
Ý nghĩa của đời người không ngoài việc tu tâm dưỡng tính, để mở lòng ra bao la như biển hồ, trước những nắm muối thị phi của cuộc đời vẫn thản nhiên không xao động.
Sau cùng, một người có cảm xúc ổn định thì vẻ mặt thường sẽ ôn hòa khiến người khác dễ chịu, giống như được một cơn gió mát thổi qua, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
Trái lại, một người động một chút là nổi giận thì ai gặp cũng không ưa nổi, trốn tránh.