Tục bắt vợ của người dân tộc: Ai cứu những bé gái 15 - 16 tuổi bị "ép duyên"?

Thành Công (TH) |

Có bé gái một mình lượm đá để ném trả đám trai bản đang hợp sức "bắt" mình về làm vợ, bởi những "bàn tay cứu giúp" các em chưa đủ mạnh.

Tục "trộm vợ", "cướp vợ", hay có nơi còn gọi là "kéo vợ, bắt vợ" của người Mông, người Thái... ở Việt Nam được coi là một nét đẹp văn hóa ngày đầu năm mới.

Ở góc độ tích cực, tác giả Hùng Hiền từng có bài viết đăng tải trên báo Hà Giang online, trong đó cho hay, tục "kéo vợ" của người Mông ở Hà Giang "có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình".

Khi đó, kế hoạch "kéo dâu" được bàn bạc bí mật, có sự hỗ trợ của anh em, bạn bè, cô bác... Cô gái đi làm nương, chàng trai bất ngờ xuất hiện cùng bạn bè, kéo cô gái về làm vợ. Dù "nằm trong kế hoạch" nhưng cô gái vẫn la hét, kêu cứu.

Phía nhà trai sẽ bắt gà làm phép, rồi đưa cô gái vừa bị "bắt" vào nhà.

Xong xuôi, gia đình cô gái biết chuyện thì sự đã rồi, cha mẹ chỉ còn biết bấm bụng chấp nhận. Bởi theo quan niệm của người Mông, nhà trai đã dùng gà làm phép thì con gái mình đã trở thành người nhà khác, chết làm ma nhà người.

Đằng sau nét đẹp văn hóa ấy, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Với những bé gái chỉ mới 15-16 tuổi mà không đồng ý bị "ép duyên" thì ai sẽ cứu? Khi mang tiếng "đã bị bắt" về làm vợ, thiếu nữ ấy muốn thoát khỏi nhà trai thì có bị mang tiếng xấu không? Tương lai của những bé gái còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ đi về đâu?

Bằng chứng là cô gái Vi Thị Hiền (SN 1993, trú tại bản Quắn, xã Liên Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) kêu gào thảm thiết khi bị Trương Văn Biển (SN 1992, trú cùng bản) và đám bạn bắt về làm vợ. 4 thanh niên người ôm, người giữ, kéo Hiền lên xe máy.

Không còn sự e ấp, ánh mắt tình tứ giữa đôi trai gái dân tộc. Chỉ còn sự sợ hãi của cô gái, nụ cười hào hứng của đám trai bản.

Bằng chứng là cảnh tượng em V (học lớp 9, xã Sa Pả, Sa Pa, Lào Cai) bị một gia đình ở San Sả Hồ (Sa Pa) bắt về làm vợ chiều 5/2. Bé gái quỳ thụp xuống đường, rồi lăn lộn, rồi than khóc như mưa... rồi cầu cứu nhà trường và người đi đường.

Tục bắt vợ của người dân tộc: Ai cứu những bé gái 15 - 16 tuổi bị ép duyên? - Ảnh 1.

Em V bị bắt về làm vợ. Ảnh: Facebook Tống Ngọc Hân

Bằng chứng nữa là cô gái Mông Vàm Thị Minh (16 tuổi, Xín Cái, Mèo Vạc) đã lượm đá chống trả quyết liệt đám trai bản đang dùng sức bắt mình về làm vợ. Sự việc được báo giới phản ánh hôm 4/2.

Cảnh tượng được tờ Zing.vn mô tả như sau: Minh đứng bên đường thì 1 trai bản nhào vào ôm chặt, bắt lên xe. Minh hoảng sợ, bỏ chạy, chống trả quyết liệt, dùng đá ném. Chàng trai tìm cách vật cô xuống đất...

Tờ Thể thao văn hóa mới đây cho hay: "Tục lệ này đã góp phần gia tăng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường, thì phải từ bỏ tương lai khi bị bắt làm vợ. Chính quyền rất khó xử lý hình sự bởi bắt vợ được coi là nét văn hóa của dân tộc, nên chính quyền các cấp chủ yếu tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tục lệ này".

Nguồn này nhấn mạnh, muốn xóa tục lệ thì cần "bàn tay sắt của pháp luật".

Còn ông Hồ Lê Ngọc (Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, Nghệ An) thì chia sẻ trên tờ Tiền phong, phía huyện ủy "chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền vận động để người dân hiểu và xóa bỏ tình trạng này".

Ông Nguyễn Xuân Trí (Chánh văn phòng UBND huyện Sa Pa) chia sẻ trên báo Trí Thức Trẻ, tục "bắt vợ" không phù hợp với bối cảnh hiện nay. Địa phương đã báo cáo Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo các ngành liên quan tuyên truyền, hạn chế thấp nhất những sự việc tương tự.

Đó có lẽ là những động thái tích cực từ giới chức địa phương để những những thiếu nữ bị "bắt vợ" như trên được giải thoát.

Ở góc độ khác, nhà văn Tống Ngọc Hân nêu quan điểm, chúng ta cần tuyên truyền để bỏ tục thách cưới. Bởi tục kéo vợ vốn được sinh ra như bản đính chính cho tục thách cưới. Nếu làm được điều ấy thì tục kéo vợ sẽ chấm dứt, nạn tảo hôn không còn.

Nghệ An: Tục "bắt vợ" đang bị biến tướng, lợi dụng. (nguồn: VTC1)

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại