Nội trong tuần này, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ sẽ khởi động một thử nghiệm 3 loại vắc-xin HIV trên 108 người trưởng thành khỏe mạnh. Đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, và các loại vắc-xin họ sử dụng đều là vắc-xin mRNA, phát triển bởi hãng dược phẩm Moderna.
Công nghệ vắc-xin mRNA đã chứng tỏ được sức mạnh của mình trong đại dịch COVID-19. Nó làm việc dựa trên nguyên tắc biến mỗi tế bào trong cơ thể thành một nhà máy sản xuất vắc-xin.
Để làm được điều này, các nhà khoa học phải thiết kế ra được các phân tử mRNA mã hóa protein của virus. Trong trường hợp virus SARS-CoV-2, đó là các protein gai bên ngoài vỏ của nó.
Khi được tiêm vào cơ thể, các phân tử mRNA sẽ hướng dẫn tế bào chúng ta sản sinh ra các protein gai này. Hệ miễn dịch sau đó sẽ học cách nhận diện các protein đó. Để khi virus SARS-CoV-2 thật xâm nhập vào cơ thể, tế bào miễn dịch và các kháng thể của chúng ta sẽ tiêu diệt được chúng.
Moderna đã sử dụng nguyên tắc tương tự để phát triển 3 ứng cử viên vắc-xin HIV của mình. Vắc-xin mRNA cho HIV được mã hóa các protein của virus HIV.
Có điều HIV nổi tiếng là một virus gian xảo. Nó có nhiều mánh khóe để trốn tránh hệ miễn dịch và tồn tại trong cơ thể chúng ta. HIV có khả năng thay đổi các bộ phận trong cấu trúc của nó rất nhanh chóng, khiến các kháng thể trước đây từng đặc hiệu với virus sớm muộn cũng không còn nhận ra chúng.
Khác với protein gai bên ngoài virus SARS-CoV-2 hiếm khi đột biến, các gai bên ngoài virus HIV đột biến liên tục và tạo ra các biến thể HIV mới. Ngay lúc này, trên thế giới đang có khoảng 50 triệu biến thể virus HIV khác nhau. Điều này khiến cho mọi nỗ lực phát triển vắc-xin chống lại HIV từ trước tới nay rơi vào bế tắc.
Cơ hội chỉ mở ra sau khi một số nhà khoa học quan sát thấy một số cá nhân đặc biệt có thể tạo ra được những kháng thể đáp ứng rộng với nhiều chủng HIV cùng một lúc. Các kháng thể này tập trung tấn công vào phần cấu trúc ổn định của virus, nơi HIV hiếm khi đột biến. Chính điều này đã giúp kháng thể duy trì hiệu lực dù virus có biến đổi.
Moderna đang phát triển các mũi tiêm này với sự hợp tác của nhiều nhà khoa học đến từ Hiệp hội Scripps về Phát triển Vắc xin HIV/AIDS, Viện Nghiên cứu Scripps và Trung tâm Kháng thể Trung hòa IAVI do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.
Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: "Tìm ra một loại vắc-xin HIV là một thách thức khoa học hết sức khó khăn. Nhưng sau sự thành công của vắc-xin COVID-19, [cho thấy mRNA] có độ an toàn và hiệu quả cao, chúng ta đã có cơ hội để tìm hiểu liệu công nghệ mRNA có thể đạt được kết quả tương tự, để chống lại sự lây nhiễm của HIV hay không?".
Cơ hội ấy đang được đặt lên 108 tình nguyện viên tham gia vào thử nghiệm. Họ đã được tuyển chọn kỹ càng, có sức khỏe tốt và trong độ tuổi từ 18-55.
Các tình nguyện viên sẽ chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất tiêm thử một liều thấp, để đánh giá độ an toàn. Nếu sau 2 tuần vắc-xin không gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng, nhóm thứ hai mới tham gia tiêm một liều cao hơn.
Quá trình theo dõi tiếp tục và nếu mọi chuyện vẫn tốt đẹp, các tình nguyện viên sẽ được tiêm thêm hai liều, sau 2 tháng và 6 tháng. Dự kiến thử nghiệm sẽ kết thúc vào tháng 7 năm 2023.
Bởi đây chỉ là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, các nhà khoa học chủ yếu chỉ đánh giá tính an toàn của vắc-xin. Họ chưa thể nói vắc-xin có chống lại virus HIV hiệu quả hay không.
Nhưng một số dữ liệu từ thử nghiệm này vẫn cung cấp manh mối để đánh giá tiềm năng ấy, chuẩn bị cho các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha II và pha III tiếp theo.
Thông thường, quá trình phát triển các loại vắc-xin như thế này sẽ mất khoảng vài năm. Nếu tất cả diễn ra suôn sẻ, chúng ta sẽ có vắc-xin mRNA chống HIV vào năm 2026.
Tham khảo Gizmodo