Truyền thông Nga đang tích cực thảo luận về khả năng nâng tàu tuần dương tên lửa Moskva, vốn bị chìm vào tháng 4/2022 lên mặt nước. Một sáng kiến như vậy giúp tiến hành cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn và duy trì uy tín của cường quốc hàng hải.
Một nguồn tin của ấn phẩm Pravda, thân cận với chỉ huy cấp cao của Hải quân Nga cho biết rằng "rất có khả năng" tàu tuần dương sẽ được trục vớt khi có đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho công việc.
Tuy nhiên các chuyên gia quân sự bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi cũng như kinh tế của một hoạt động như vậy, cần lưu ý rằng những công việc nói trên chỉ có thể thực hiện được nếu đầu tư nguồn lực lớn.
Phần nhiều nhận xét cho rằng không nên trục vớt con tàu do quá tốn kém và nơi chiếc chiến hạm chìm nên được tuyên bố là vị trí an nghỉ của các thủy thủ.
Ngoài ra cần lưu ý rằng việc đưa lên mặt nước có thể dẫn đến sự phá hủy cấu trúc thân tàu, do vậy chỉ nên lấy một phần nhỏ trong số mảnh vỡ để tạo ra một đài tưởng niệm.
Phần lớn ý kiến cho rằng tuần dương hạm Moskva bị chìm sau khi trúng 2 tên lửa Neptune của Ukraine.
Chuyên gia tình báo Georgy Riper chỉ ra hai lý do có thể khiến tàu tuần dương được trục vớt, đó là để xác định rõ nguyên nhân gây cháy và ngập nước, cũng như giới thiệu quá trình phục hồi đối với con tàu, mặc dù ông coi việc tôn trọng nơi yên nghỉ của các thủy thủ dưới đáy biển cũng là rất xứng đáng.
Nguyên nhân chính thức dẫn tới việc chiếc hạm hạng nhất của Hải quân Nga bị chìm vẫn chưa được công bố, Moskva chỉ cho biết đây là một sự cố kỹ thuật. Hiện tại, một ủy ban nhà nước đặc biệt tiếp tục tiến hành cuộc điều tra.
Nhưng theo ấn phẩm Pravda, vào thời điểm con tàu bị chìm, một máy bay trinh sát P-8A Poseidon và một máy bay không người lái của NATO đang hoạt động trên bầu trời Biển Đen, có thể chúng đã theo dõi và điều chỉnh cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine bằng tên lửa hành trình chống hạm Neptune.