Tuấn Dũng: Thường xuyên bị la về diễn xuất, chỉ biết cúi mặt khi đến lớp

Tùng Ninh |

"Hành trình theo đuổi nghệ thuật của tôi cũng không phải dễ dàng, tôi thường xuyên bị la về diễn xuất. Thậm chí, tôi còn bị cho là không nên làm diễn viên" – diễn viên Tuấn Dũng chia sẻ.

Không dám nối nghiệp cha vì quá khó

Tuấn Dũng được biết đến là một diễn trẻ đầy triển vọng của nghệ thuật sân khấu miền Nam. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cha của anh là nghệ sĩ Tuấn Tú – diễn viên cải lương, còn anh trai là diễn viên lồng tiếng.

Tuấn Dũng: Thường xuyên bị la về diễn xuất, chỉ biết cúi mặt khi đến lớp - Ảnh 1.

Vì vậy nên từ nhỏ, Tuấn Dũng đã được tiếp cận với sân khấu và có niềm đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, khi anh quyết tâm theo đuổi nghề thì lại bị gia đình ngăn cấm vì ai cũng lo sợ anh sẽ gặp nhiều cạm bẫy, cực khổ và phải đánh đổi nhiều thứ khi bước vào con đường này.

Đó cũng là một phần lý do khiến Tuấn Dũng dù theo đuổi nghệ thuật nhưng lại không nối nghiệp cải lương của cha mà chuyển hẳn sang sân khấu kịch nói để theo đuổi lối đi riêng của chính mình. Tại chương trình Mái ấm gia đình Việt tuần này, nam diễn viên tâm sự:

"Tôi không dám theo cải lương vì bộ môn này quá khó, phải vừa hát vừa diễn mà tôi thì không biết hát và hát rất dở nữa. Tôi chọn kịch nói vì chủ yếu là diễn xuất, khi muốn thì hát, không muốn hát thì thôi, còn theo cải lương chắc chắn phải biết hát".

Sau khi hoàn thành xong chương trình phổ thông, Tuấn Dũng đăng ký học tại trường Đại học sân khấu điện ảnh, nhưng do chiều cao khá khiêm tốn nên anh bị trượt.

Vì quá đam mê với nghề diễn xuất nên anh vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Dù tự nhận không biết hát, nhưng ngoài diễn xuất, Tuấn Dũng còn có biệt tài là hát nhạc Bolero khá hay. Sau đó, Tuấn Dũng được cha dẫn đến học diễn xuất tại trường sân khấu kịch Hồng Vân và trở thành học trò cưng của nghệ sĩ hài Minh Nhí.

Tuấn Dũng: Thường xuyên bị la về diễn xuất, chỉ biết cúi mặt khi đến lớp - Ảnh 3.

Cái tên Tuấn Dũng được biết nhiều hơn khi anh tham gia vào chương trình Cười Xuyên Việt 2016. Khác với những thí sinh nam còn lại, anh có ngoại hình nhỏ nhắn, nét diễn duyên dáng và vô cùng tự nhiên nên đã chinh phục được khá nhiều khán giả trên trường quay và truyền hình.

Mặc dù đã thể hiện khá tốt phần thi của mình nhưng anh lại không thể vượt qua được diễn viên Anh Tú – đối thủ được đánh giá khá cao. Sau chương trình, Tuấn Dũng đạt được vị trí Á quân.

Dù không nhận được giải như mong muốn nhưng Tuấn Dũng luôn tích cực hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Bản thân luôn cố gắng không ngừng trong các vai diễn. Tần suất xuất hiện của anh ngày càng nhiều hơn, càng được khán giả yêu mến và ủng hộ.

Thường xuyên bị la về diễn xuất, bị cho là không nên làm diễn viên

Cũng tại chương trình Mái ấm gia đình Việt tuần này, Tuấn Dũng tiết lộ, khi quyết định theo nghệ thuật, cha anh có nói rằng nghề này có những lúc vui buồn khác nhau nên phải chấp nhận.

Anh tâm sự: "Cha tôi khẳng định chỉ cho tiền để học nghề đúng một lần, đồng nghĩa với việc nếu tôi học tốt thì cứ tiếp tục. Ngược lại, nếu không theo nghề diễn nữa thì phải tự bươn chải để học nghề khác, cha tôi không cho tiền để học nữa".

Tuấn Dũng: Thường xuyên bị la về diễn xuất, chỉ biết cúi mặt khi đến lớp - Ảnh 4.

Vì vậy, Tuấn Dũng luôn tự tìm tòi, học hỏi và trau dồi diễn xuất của mình nhiều hơn. Tuấn Dũng cho biết, thời điểm hiện tại thì nghệ sĩ Tuấn Tú rất tự hào và thích thú mỗi khi xem anh diễn và cũng không bao giờ can thiệp hay góp ý gì vào các vai diễn của anh.

Tuấn Dũng cho biết thêm: "Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi được 4 người thầy dạy dỗ là NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Minh Nhí, NSƯT Quốc Thảo và NSƯT Đức Hải.

Sau đó, NSND Hồng Vân chính là người đã đỡ đầu và chỉ bảo khi tôi chính thức được đứng trên sân khấu lớn.

Hành trình theo đuổi nghệ thuật của tôi cũng không phải dễ dàng, tôi thường xuyên bị la về diễn xuất. Thậm chí, tôi còn bị cho là không nên làm diễn viên.

Những lúc như vậy, tôi chỉ biết cúi mặt xuống đất khi đến lớp".

Tuấn Dũng cho rằng, lúc gặp khó khăn như vậy thì cách duy nhất mà anh có thể làm là tiếp tục tập trung, lắng nghe để tiến bộ nhiều hơn vì đó là nghề mà anh đã chọn.

Anh cũng tâm sự thêm, ngoài nghề diễn ra thì anh không còn gì khác để theo đuổi nữa, và chính nhờ sự tập trung không ngừng nghỉ đó đã dần giúp Tuấn Dũng có được chỗ đứng ổn định trên sân khấu kịch nói với gần 30 vở kịch được góp mặt. Anh nói:

"Tôi nhớ và ấn tượng nhất khi lần đầu được đứng trên sân khấu. Hôm đó, có một nghệ sĩ đàn anh bận nên tôi được thầy Minh Nhí tin tưởng xin cơ hội để cô Hồng Vân đồng ý cho tôi thế vai diễn đó.

Sau đó tôi bắt đầu nhắc tuồng, rồi diễn từ các vai nhỏ đi lên đến ngày hôm nay".

Anh nói thêm: "Bản thân tôi cũng từng có lúc muốn từ bỏ nghệ thuật nhưng không phải vì các vai diễn quá khó mà vì nhiều khía cạnh khác khi theo nghề.

Tôi từng cảm thấy chạnh lòng khi bạn diễn có khởi đầu giống mình nhưng lại có cơ hội phát triển còn mình thì không. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ càng, tôi quyết định tập trung cố gắng trau dồi khả năng nhiều hơn để tiếp tục với đam mê".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại