Từ Washington DC: Lá phiếu thiên tai và nhân tai trong bầu cử tổng thống Mỹ

Hiệu Minh |

Cử tri Mỹ định bầu cho ai đó trước cả năm, nhưng thiên tai hay nhân tai bất ngờ sẽ làm họ thay đổi ý định ban đầu. Một cơn bão cũng có thể đánh gục một ứng cử viên đầy triển vọng.

Hôm nay nước Mỹ đã đổi giờ làm việc sang mùa Đông. 12 giờ đêm ở Hà Nội là 12 giờ trưa tại Washington DC. Nếu không có gì thay đổi thì trong vòng 48 tiếng nữa, Nhà Trắng cũng đổi chủ.

Hơn chục năm qua chuyển sang Washington DC làm việc, người viết bài này chứng kiến hai thiên tai khủng khiếp ở nước Mỹ. Đó là hai trận bão Katrina năm 2005 và Sandy năm 2012.

Chẳng hiểu sao, hải quân Hoa Kỳ thích dùng các tên của phụ nữ để đặt tên các cơn bão nhiệt đới. Có lẽ do lênh đênh trên biển nhiều ngày, lính thủy nhớ váy hồng sexy nên làm thế chăng.

Trẻ trung đầy sức sống mà cô đơn trên chiếc giường cá nhân, chắc họ muốn cơn bão đến dù có bị tả tơi vì người đẹp. Tên bão thì nữ tính, hiền dịu, nhưng sự phá hoại thì khủng khiếp.

Năm 2005, Katrina đổ vào vùng Florida, Louisiana, Mississippi, Alabama, làm chết gần 2.000 người, thiệt hại lên tới 79 tỷ đô la.

Katrina thuộc vào 10 thiên tai kinh khủng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mở tivi là thấy cảnh lụt lội, người chết trôi ở New Orleans, nước Mỹ hùng mạnh về quân sự nhưng tỏ ra yếu đuối trong vụ xử lý Katrina.

"Người đẹp Sandy" tràn vào bờ Đông nước Mỹ. Nàng tốc váy quay cuồng, nổi cơn thịnh nộ. Cả nước Mỹ hơi hoảng nhưng họ vẫn bình tĩnh xem nàng múa cột.

Gần hai trăm người bị chết, thiệt hại gần 70 tỷ đô la, Sandy phá tan cả New Jersey, nhấn chìm New York.

Katrina xảy ra khi Tổng thống Bush con vừa nhậm chức nhiệm kỳ 2 (2004-2008) dường như thỏa mãn với những gì đã đạt được trong nhiệm kỳ 1 (2000-2004).

Xử lý vụ Bin Laden tấn công nước Mỹ, đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan giúp uy tín của Bush nâng cao, có lúc được 70-80 % dân chúng khen nức nở.

Nhưng thiên tai Katrina bị xử lý chậm chạp, không hiệu quả, ông Bush không đến hiện trường ngay sau thảm họa, dân chúng than trời, có cảm tưởng nước Mỹ không còn lãnh đạo.

Từ Washington DC: Lá phiếu thiên tai và nhân tai trong bầu cử tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Phản ứng chậm chạp trước bão Katrina khiến ông Bush bị chỉ trích nặng nề. Người ta còn chế ảnh ông đứng đàn hát bên cạnh một nạn nhân của bão để phê phán. (Ảnh: About.com)

Nếu năm sau đó có bầu cử, Bush không có cơ hội nào thắng ở Florida và các vùng lân cận. Vai trò của lãnh đạo phải tỏ ra mạnh mẽ trước cả thiên tai chứ không chỉ biết xử lý nhân tai như vụ khủng bố của Bin Laden.

Năm 2012, vụ tranh cử giữa đương kim Tổng thống Obama và Mitt Romney đang gay cấn, chỉ còn một tuần là bầu cử, "người đẹp" Sandy bỗng xuất hiện như một thách thức khả năng xử lý thiên tai của các ứng viên.

Với sức gió lên tới 140-150 km/giờ, sự thịnh nộ của "nàng" Sandy quả là khủng khiếp. 50 ngôi nhà ở quận Queens (thành phố New York) bị lửa thiêu rụi.

Ba lò phản ứng hạt nhân phải đóng cửa do gặp vấn đề về cung ứng điện và hệ thống làm nguội. Lò phản ứng thứ tư cũng trong tình trạng báo động do nước dâng.

Hệ thống tàu điện ngầm New York bị ngập nước nặng nhất kể từ khi khánh thành 108 năm trước. Nước dâng cao tới 4,2m ở trung tâm Manhattan, một kỷ lục suốt từ năm 1960 sau cơn bão Donna.

Đông Bắc nước Mỹ có tới 8 triệu hộ dân và doanh nghiệp chìm trong đêm tối.

Cả thế giới nhìn vào Tổng thống Obama xem ông xử lý tình huống khẩn cấp thế nào. Những bang "ba phải - swing states" cũng đưa ông vào tầm ngắm.

Đúng như mong đợi, ngay sau cơn bão, Obama đã đến thăm các khu vực bị Sandy càn quét ở New Jersey.

Từ Washington DC: Lá phiếu thiên tai và nhân tai trong bầu cử tổng thống Mỹ - Ảnh 2.

Ông đi cùng Thống đốc bang này là Chris Christie, một người chống kịch liệt Tổng thống trong tranh cử giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Sau vụ đó, Christie đổi ý, khen Tổng thống hết lời "Tôi không thể dùng lời nào cho đủ để cảm ơn Tổng thống vì sự quan tâm cũng như tình cảm cá nhân của ông cho người dân ở tiểu bang chúng ta".

Washington Post làm một cuộc thăm dò, cứ 8/10 người nhận xét, Obama xuất sắc, hoặc tốt.

Thị trưởng New York, Micheal Bloomberg, khi đó đứng trung lập giữa Obama và Romney, cũng khen cách thức Obama xử lý Sandy. Bloomberg bầu cho ai sẽ kéo theo cả triệu lá phiếu của dân New York.

Ứng viên Romney cũng đến tận nơi đưa quần áo, phát thức ăn, đồ uống cho người bị nạn. Nhưng không thể sánh với Obama ở tầm Tổng thống đã làm đúng những gì người dân mong đợi, chỉ đạo và tập trung mọi nguồn lực cứu dân trong thảm họa.

Cuồng phong Sandy ngẫu nhiên bỏ phiếu cho Obama bằng lá phiếu thiên tai. Không ai ngạc nhiên khi Obama thắng tuyệt đối năm đó.

Nhưng sự cuồng nộ của Sandy không làm dân New York lo sợ bằng vụ Bin Laden tấn công tòa tháp đôi, ám ảnh khủng khiếp nước Mỹ và cả thế giới trong thời gian dài.

Năm 2004, khi cuộc đua giữa John Kerry và George Bush đang quyết liệt, phần thắng đang thuộc về Kerry thì Bin Laden lù lù xuất hiện trên mạng với băng ghi âm hù dọa Hoa Kỳ.

Người Mỹ vẫn nhớ vụ kinh hoàng 11-9 và cách mà ông Bush xử lý tận gốc vấn đề.

Cán cân lại nghiêng về đảng Cộng hòa vốn không khoan nhượng với khủng bố, nhân quyền và dân chủ. Nước Mỹ có thêm loại phiếu nhân tai, dân sợ Bin Laden nên đã bầu cho Bush.

Trùm khủng bố quả là cao tay, "giúp" ông Bush con thêm một nhiệm kỳ, phá nước Mỹ nhiều hơn. Tại vị chưa chắc đã hay, giá như ông Bush ra đi đúng lúc.

Nhiệm kỳ 2 của Bush bị cơn bão Katrina làm lu mờ hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ trong chống khủng bố.

Năm 2008, Obama thắng bởi người Mỹ muốn thay đổi, vì kinh tế lụn bại, hình ảnh nước Mỹ thảm hại trên trường quốc tế.

Trong 8 năm cầm quyền, Obama không gây ra cuộc chiến nào, chỉ có vài viên đạn kết liễu Bin Laden. Thế giới bình yên hơn nhưng Mỹ dường như yếu đi.

Khi cần an ninh quốc gia hay bá chủ thế giới, người Mỹ bầu cho Cộng hòa. Muốn ổn định cho kinh tế đi lên, họ bỏ phiếu cho Dân chủ.

Năm nay, cuộc đấu giữa hai ứng viên dù đã ở tuổi thất thập nhưng không kém phần gay cấn. Hiện tỷ lệ ủng hộ cho hai bên khá sát sao. ­

Từ Washington DC: Lá phiếu thiên tai và nhân tai trong bầu cử tổng thống Mỹ - Ảnh 3.

Cuộc đấu giữa hai người già năm nay rất gay cấn, dù dân chúng có thể ít quan tâm hơn cuộc bầu cử 4 năm trước (Ảnh: CNBC)

Nhưng cán cân sẽ thay đổi, nếu có một Bin Laden khác lù lù hiện ra. Lúc đó Sandy có tụt váy, lộ hàng, cũng chẳng giúp gì cho lá phiếu mang danh sự ổn định.

Bin Laden đã chết dù tin tức đồn râm ran sẽ có khủng bố vào ngày bầu cử. Tin này chắc chắn có lợi cho Trump vì đảng Cộng hòa của ông rất giỏi trong việc xử lý khủng bố.

Người Mỹ vốn thực tế và công bằng trong mọi hành xử. Chia tiền khách sạn, tiền ăn tại nhà hàng với người yêu và cả khi cầm lá phiếu trên tay.

Định bầu cho ai đó trước cả năm, nhưng thiên tai hay nhân tai bất ngờ sẽ làm thay đổi ý định ban đầu.

Bầu tổng thống bằng lá phiếu và lật đổ cũng bằng lá phiếu thông qua cách xử lý thiên tai hay nhân tai, không cần triết lý hay biện chứng trong thời khắc nguy hiểm.

Cử tri Mỹ luôn công bằng vì đặt an ninh và quyền lợi quốc gia lên hàng đầu chứ không vì đảng phái Cộng hòa hay Dân chủ.

HM. 7-11-2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại