Tỷ phú Donald Trump hay nói trong tuyển dụng "You are hired - Anh/chị được tuyển" hay "You are fired - không được tuyển". Còn vài giờ nữa thì ai là người sẽ nói câu "You are fired".
Năm 1845 Quốc hội Hoa Kỳ đã ấn định ngày bầu cử Tổng thống bao gồm bầu tổng thống, dân biểu, thượng nghị sỹ, là ngày thứ 3 sau ngày thứ 2 đầu tiên của tháng 11.
Từ đó đến nay gần 200 năm, như nhịp sống sinh học của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, sau 4 năm vào ngày thứ 3, dân Mỹ đi chọn lãnh đạo vào Nhà Trắng.
Ngày xưa dùng ngựa đi cả ngày mới đến thùng phiếu, nay chỉ cần mươi phút bằng xe hơi. Mất mươi phút nữa là xong nếu không phải xếp hàng.
Sáng nay (8-11, giờ Mỹ), thời tiết vùng DC, Maryland, Virginia đang cuối thu vàng dưới trời trong xanh, nhiệt độ 18-19oC thật tuyệt để ra ngoài bỏ phiếu.
Tôi lái xe đi lòng vòng ở Arlington (Virginia) xem người Mỹ bầu cử. Vẫn không cờ phướn, không khẩu hiệu, không loa oang oang, các phòng bỏ phiếu tựa như các văn phòng làm việc cần mẫn.
Không khí tĩnh lặng bên ngoài một điểm bỏ phiếu. Nếu không có các poster, dễ nghĩ rằng đây chỉ là một văn phòng bình thường. Ảnh: Hiệu Minh
Ngoài cửa thường có vài người của hai đảng phát phiếu bầu mẫu, chọn người của đảng mình như thế nào.
Phiếu mẫu của đảng Cộng hòa thì bôi đen vào chỗ có tên Trump, của Dân chủ bôi tên Hillary, cùng các ứng viên vào quốc hội, vị trí ở địa phương, kể cả trưng cầu dân ý tại vùng về một số đề đạt, có nơi bỏ phiếu YES hay NO cho vấn đề này.
Vì thế phiếu bầu cử tại các địa phương khác nhau nhưng chung nhất là có tên của ứng viên Tổng thống và Phó Tổng thống của mấy đảng.
Metro yêu cầu chính quyền quận đóng góp gần 60 ngàn đô la cho hệ thống giao thông này nhưng phe Cộng hòa tại quận phản đối (NO), giải thích trên tờ rơi là tại sao.
Đương nhiên đây là phiếu ví dụ, phiếu bầu chính thức do ban bầu cử phát mới có giá trị.
Hầu hết các địa điểm bỏ phiếu là các trường học vì rộng rãi, nhiều chỗ đỗ xe, vì thế học sinh được nghỉ. Bọn trẻ vui nhất ngày bầu cử vì bỗng nhiên…được nghỉ.
Vào một cửa, ra một cửa, không ai được hỏi ông bà bầu cho ai. Qui định rất rõ không được bầu thay, không chụp ảnh, không phỏng vấn cử tri tại nơi bầu cử và không được tìm cách áp đặt phải theo phía nào.
Tôi tới ba địa điểm, một nơi gần nhà trên đường George Mason cắt phố số 9, tới trường Ashlawn cấp 1 cũ của hai con trai từng học ở đó và trường cấp 2 mà cậu bé đang học lớp 8.
Nhớ ngày này 4 năm trước, mùa đông lạnh giá đến sớm hơn thường lệ, nhưng dân đổ ra đường khá đông, nhất là người da mầu vui vẻ vì đi bỏ phiếu cho Obama.
Lần này có vẻ lặng lẽ, không thấy xếp hàng dài ra cửa. Cả ba nơi không có vẻ gì là nơi bầu cử trống dong cờ mở như thường thấy.
Tại điểm đầu tiên gặp hai người tình nguyện của đảng Dân chủ đứng phát phiếu bầu mẫu cho cử tri, cười chào rất niềm nở.
Hỏi làm thế này có được tiền lương không? Không anh ạ, chỉ là tình nguyện, tận hiến cho đảng cần gì tiền.
Hỏi ai sẽ thắng. Đương nhiên là Hillary Clinton rồi, sẽ thắng lớn anh ạ, tin chúng tôi đi. Họ còn tặng tôi cái huy hiệu có dòng chữ Stronger Together.
Quay sang hai cụ giúp đảng Cộng hòa cũng tương tự. Hỏi Trump thắng không. Thắng chứ, ông ấy giỏi lắm, giầu có, đàng hoàng, nói là làm.
Tạm biệt các cụ sang trường Ashlawn thì gặp ngay một cô cười rất tươi chào đón. Thấy nàng trẻ đẹp mình liền giả vờ hỏi han.
Nora Schneider - tình nguyện viên ủng hộ đảng Dân chủ. Ảnh: Hiệu Minh
Hóa ra cô là người hướng dẫn cử tri và cũng là tình nguyện viên chẳng có xu nào bồi dưỡng nhưng không vì thế mà không cười với người đến, tạm biệt và cảm ơn liên tục người ra khỏi phòng phiếu.
Cô cho biết tên là Nora Schneider và nói chỗ này có khoảng 1.600 cử tri đăng ký. Từ sáng sớm (6:30) đến giờ (8:30) có khoảng 300 người đã tới bầu. Như vậy tỷ lệ đi bầu cũng như những lần bầu cử khác.
Hỏi về lần bầu cho Obama sao đông thế, cô cười, không thể so được vì dân da mầu rất vui vì có ông giỏi như thế.
Loanh quanh một hồi, quay sang hỏi, cô bầu cho ai. Cô cười không giấu diếm, Hillary anh ạ. Bà ấy trong sạch, giỏi, làm việc không biết mệt, sống vì người nghèo, không phân biệt chủng tộc hay giới tính.
Về Trump bỗng cô nói nhỏ hẳn lại, mắt nhìn quanh xem có ai nghe. Nói vài điều về ông gớm này và bảo đừng ghi âm đấy, rồi cười như nắc nẻ.
Tôi bảo chị, người Việt Nam cũng thích Hillary đấy, đưa ý kiến và ảnh của chị lên báo Việt Nam được không. OK anh, nhưng không được đưa những gì cô nói về Trump, cô nháy mắt.
Cách đó mấy mét là hai cụ cũng cỡ tuổi U70 giúp đảng của Trump. Lại nghe nói hay về Trump như điểm đầu tiên. Dường như họ rất nhất quán trong việc khen Trump.
Hai bác ghi tên cho mình, nhưng bác gái viết thì chịu không đọc được, hình như tên là Marlo Plaza và bác trai tên là Michael Hurley.
Hai tình nguyện viên U70 của đảng Cộng hòa. Ảnh: Hiệu Minh
Bác gái nói tiếng Anh như máy nhưng âm điệu có vẻ latin, từ Argentine đến Mỹ từ năm 1967, yêu đảng Cộng hòa từ thời đó.
Họ cũng là tình nguyện viên. Hỏi ăn bằng gì, cơm nhà vác ngà voi, anh ạ. Vì đảng vì dân thì làm gì cũng sẵn sàng nếu điều đó có lợi cho cái chung.
Lái xe vòng vèo sang trường Swanson cách đó vài km. Cũng vắng vậy. Lại gặp 4 người, 2 của Cộng hòa, 2 của đảng Dân chủ và khung cảnh y chang.
Thú vị nhất có anh Aleksander Belinsky từ Ukraine chưa có quốc tịch Mỹ nhưng đi làm tình nguyện viên.
Hỏi bầu cho ai, anh cười, có quốc tịch đâu mà bầu, nếu được thì bầu cho người nào ủng hộ Putin. Hóa ra quê gốc của anh ở Donetsk, lò lửa của Nga và Ukraine.
Thấy tôi khoe từ Việt Nam, Aleksander vui lắm, bảo có bạn tên Tran Minh Chi từng học với nhau ở Moscow về môi trường từ năm 1979.
Tình nguyện viên đến từ Ukraine, muốn bầu cho ai ủng hộ... Putin. Ảnh: Hiệu Minh
Ba địa điểm gặp những người khá chuyên nghiệp, có hiểu biết, làm cho đảng của họ một cách tự nguyện.
Bầu cử năm nay có vẻ lặng lẽ hơn so với thời Obama ứng cử (2008, 2012). Đứng mỗi nơi khoảng 30 phút vừa chụp ảnh, vừa hỏi chuyện các tình nguyện viên, thấy người ra người vào ít biểu lộ họ bầu cho ai.
Thấy người dừng chỗ đảng Cộng hòa, đoán là người của Trump. Ai dừng chỗ Dân chủ có vẻ bầu cho Hillary. Nhưng phần đông không đứng lại, có lẽ họ đã có chính kiến từ nhà, không hiểu trong đầu họ nghĩ gì.
Hoa Kỳ có 318 triệu dân, 18 tuổi trở lên được quyền bầu cử. Năm 2012 có khoảng 235 triệu người đi bầu, trong 4 kỳ bầu TT gần đây thì năm 2008 có tới 57% người đi bầu, các kỳ trước chỉ dao động từ 50 đến 55%.
Không hiểu năm nay có bao nhiêu % số người trong độ tuổi bầu cử ra phòng phiếu. Theo truyền thông, năm nay số người đăng ký đi bầu tăng vọt do hiện tượng Trump - Clinton.
Nhưng ra ngoài phòng bỏ phiếu tôi không cảm giác được điều đó. Chắc phải đợi đến cuối ngày mới có kết quả.
Người đến bỏ phiếu có vẻ khá thưa thớt, không như truyền thông nói là "tăng vọt". Ảnh: Hiệu Minh
Nhiều hay ít thì tới 7 giờ tối hòm phiếu sẽ đóng cửa. Việc kiểm phiếu bắt đầu và trong vài giờ các bang sẽ báo kết quả.
Hillary Clinton và Donald Trump đang ở đại bản doanh của mình, đợi tin chiến thắng cùng với hàng vạn người hâm mộ.
Trong túi mỗi người có hai diễn văn, một diễn văn mừng chiến thắng và một cái khác trong trường hợp hung tin.
Cuộc chơi đến hồi kết, chỉ có một người số một, cử tri là người có tiếng nói cuối cùng.
Donald Trump thường phán trong tuyển dụng "You are hired – Anh/chị được tuyển" hay "You are fired – không được tuyển".
Nếu Hillary thắng thì bà sẽ nói với Trump "You are fired". Ngược lại chẳng cần nói thêm vì Trump quá thạo với câu quen thuộc "Hired or Fired".
HM. Ngày bầu cử 8-11-2016