Lại vừa có một vụ thảm án làm 4 người cùng gia đình bị đoạt mạng ở Quảng Ninh. Trước đó không lâu, là án mạng nghiêm trọng ở Yên Bái, Nghệ An. Gần hơn nữa là vụ giết người chặt xác ở Cao Bằng. Nhưng không cần kể thêm nữa, vì án mạng có nhiều. Thêm thông tin là thêm rùng rợn.
Bây giờ người đọc báo giấy đang có xu hướng giảm đi, và đọc báo mạng tăng lên. Nhưng dù là dạng báo nào, trên trang nhất, tin tức về các thảm án không hề giảm bớt. Cuộc sống thật bất an.
Từng có đề nghị các báo không đăng tin án mạng thảm khốc, để dư luận khỏi kinh sợ. Tuy vậy, nếu lờ đi việc đăng tin tức, cuộc sống cũng chẳng yên bình hơn. Tội phạm ngày càng trẻ hơn, hành vi ngày càng man rợ hơn.
Có hai vụ án nghiêm trọng được đăng tải với tần suất dày nhất, là vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang và vụ giết 6 người ở Bình Phước.
Các nhà tội phạm học, xã hội học, tâm lý học vẫn đang còn nhiều tranh luận về câu hỏi "Tại sao án mạng nghiêm trọng gia tăng?". Ngoài các vụ giết người do cướp của, hoặc trộm bị phát hiện biến thành cướp và giết người để phi tang, còn rất nhiều vụ thảm án xảy ra do thù tức, mâu thuẫn vặt.
Chỉ cần va quẹt xe, nhìn đểu, mời rượu không uống, tranh chấp cái hàng rào, đánh chó hàng xóm… cũng có thể dẫn tới án mạng. Và điều đáng sợ là nhiều thủ phạm khi bị bắt đã rất thản nhiên. Đoạt một mạng người chẳng còn là điều kinh khủng không thể làm được trong tâm lý của một bộ phận của đám đông.
Cái ác đã trở thành lựa chọn có suy tính hoặc bột phát của không ít cá nhân. Cái ác được bắt chước và thực hành quá nhanh. Ngay cả những cá nhân có học thức, gây án mạng cũng không còn là hiếm hoi. Cái ác đã và đang tạo ra sang chấn tâm lý lớn lao cho xã hội.
Hành vi tội ác là bất thường. Nhưng đáng lo, là điều bất thường đang dần trở thành bình thường, khi nó hay xảy ra. Lòng tham là nguồn gốc của tội ác. Lòng tham tranh đoạt lớn dần lên mà không được kiểm soát, sẽ đến lúc gây hoạ tới tận cùng.
Lối sống ích kỷ dẫn tới tha hoá đạo đức. Tha hoá dẫn tới vô cảm. Lòng tham của kẻ vô cảm chỉ cách tội ác một ranh giới mỏng manh. Và khi lối sống đó trở thành phổ biến, tội ác sẽ lây lan. Vai trò của giáo dục để tạo dựng lối sống lành mạnh đang yếu ớt quá.
Cuộc sống đang thiếu gương lành để học làm hình mẫu. Quan chức tham nhũng, người nổi tiếng tranh đoạt, cha mẹ bạo hành… đều có tác động khiến cái ác vượng lên. Khi thiếu ánh sáng, bóng tối sẽ đặc hơn. Đạo đức suy đồi, cái ác thắng thế.