Hôm trước, tôi có được mời với tư cách phụ huynh đến trường con mình để chia sẻ, trò chuyện về bạo lực học đường. Nhưng cũng như nhiều cuộc trò chuyện khác mà tôi đã từng được mời tham gia, các thầy cô chiếu slide và những clip về bạo lực học đường để cho học sinh xem.
Tôi đã lên tiếng ngăn cản lại vì tôi thấy điều đó thật không giúp ích gì cho các con. Mà nó chỉ gia tăng thêm nỗi sợ hãi (với những trẻ nhút nhát) hoặc nó thành chuyện bình thường (với những trẻ hiếu động, hay bạo lực với bạn bè kiểu đùa cợt nhau).
Đáng sợ hơn, tôi ngăn lại vì tôi không muốn cái ác lại được lan toả rộng như thế. Cứ lên google mà gõ "bạo lực học đường" thì thứ mà thuộc top 100 kết quả tìm kiếm đầu tiên luôn là những clip thế này, những hình ảnh dã man tương tự.
Điều này khiến một thứ bất thường đang được bình thường dù nó gắn mác phẫn nộ. Khi người ta thấy đâu đâu cũng bạo lực thì người ta cũng sẽ quen dần với nó và không còn muốn phẫn nộ với nó nữa.
"Bạo lực học đường" đang là một trong những từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất.
Nhà trường ngay lập tức cũng đã tiếp nhận ý kiến của tôi và chúng tôi nói với các con về những tổn thương của nạn nhân, nói với các con về kỹ năng và tạo cho các con sự yên tâm về môi trường các con đang học. Tôi nhận thấy các con tiếp nhận điều đó tự nhiên hơn. Nhưng muốn các con hiểu và thực hiện được thì nhà trường và phụ huynh còn cả một chặng đường dài nữa.
Khi mà nhiều trường, như trường THCS Phù Ủng, các thầy cô muốn mọi thứ được xử lý nội bộ, không muốn công khai đưa ra. Cô giáo chủ nhiệm cũng đã biết và cảnh cáo các học sinh này vài lần rồi.
Nó giống như cái cách "Đẹp đẽ khoe ra- xấu xa đậy lại". Nhiều trường sợ mất thi đua, sợ phải đối mặt với sự công phẫn, không biết phải giải quyết nó bằng cách nào nên cứ "quét rác vào gầm giường" thay vì mổ xẻ- phân tích- xử lý- đưa ra giải pháp để tình huống đó không được phép lặp lại.
Khi mà chính các thầy cô nhiều khi bù đầu với giáo án tăng tiết, điểm số học sinh, thi đua của lớp, của khối mà dần mất đi sự nhạy cảm vốn có của người thầy, người cô. Chỉ có ĐỂ TÂM tới học trò thì thầy cô mới ĐỌC được cảm xúc- tâm tư của học trò.
Khi mà trên mạng xã hội, không khó để đọc được những bình luận mang đầy tính thù hằn, bạo lực, hay thậm chí là những lời bình đầy tính thoá mạ từ người lớn.
Vụ nữ sinh lớp 9 bị bạn học đánh hội đồng gây chấn động dư luận.
Trời ạ! Bạo lực học đường nếu chỉ là một trận ẩu đả giữa hai đứa trẻ thì khi lên mạng xã hội, nó đã thành cuộc hành quyết tập thể bởi chính những người lớn đáng kính.
Điều đó có thay đổi được hiện trạng này không thì cứ nhìn mức độ gia tăng, số lượng những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra sẽ biết.
Khi mà chính cha mẹ khi đèo con đi học cũng nhiều phen văng tục với kẻ lấn đường mình, nhiều người đi cùng con dễ dàng vung cú đấm vào mặt kẻ nào làm con họ khóc. Chính cha mẹ mỗi ngày đều đang "tiêm nhiễm" vào đầu con trẻ bằng bạo lực, bạo hành, chửi rủa, thoá mạ, nói xấu,… đồng nghiệp hay hàng xóm của họ đấy thôi.
Bạo lực sinh ra bạo lực- Bạo lực tiếp nối bạo lực. Mà cha mẹ và nhà trường cũng ít khi gặp nhau ngoài kỳ họp phụ huynh đầu năm- giữa năm- cuối năm chỉ để bàn về việc làm sao con học giỏi, có bằng khen. Nhà trường tổ chức hội thảo mời cha mẹ tới thì cha mẹ cáo bận.
Cha mẹ khi biết con xảy ra chuyện thì mới xông vào phòng giám hiệu và thầy cô khi đó lại thành phòng thủ, tự vệ. Chỉ có bạo lực học đường cứ thế tiếp diễn bằng cách này hay cách khác. Những clip bạo lực cứ thế tràn lan với những lượt xem lên đến cả triệu người.
Báo chí viết về bạo lực học đường minh hoạ bằng chính những hình ảnh bạo lực để "chân thực- lột tả" và phải vậy mới có người chịu click vào đọc. Những bài viết về kỹ năng phòng tránh bạo lực mà không có ảnh kiểu chân thực lột tả thì thế nào cũng sẽ chả ai thèm xem, thèm chia sẻ.
Đuổi học sinh đánh bạn không phải là giải pháp để đẩy lùi bạo lực học đường
Bạo lực học đường- đừng đổ thêm dầu vào lửa nữa! Hãy cùng nhau bàn về giải pháp. Là đuổi học những học sinh đánh bạn không phải là cách. Nó cũng tàn nhẫn như "bắn bỏ" một học sinh.
Nó giúp nhà trường không còn rắc rối nữa nhưng nó sẽ thêm vào cho xã hội một kẻ lưu manh. Và tin không, một hôm nào đó, một trong số những kẻ đó sẽ trở thành những tên cướp. Nếu nhà trường là môi trường giáo dục, hãy phải nhận trách nhiệm giáo dục những đứa trẻ cá biệt đó chứ không phải đẩy nó ra đường cho xong trách nhiệm.
Là cần gia tăng kết nối- phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường. Từ chối dạy học những học sinh mà cha mẹ bỏ bê để muốn con được đi học họ sẽ phải phối hợp cùng giáo viên- nhà trường.
Nữ sinh tham gia vụ đánh bạn học ở Hưng Yên thấy hối hận vì những gì mình làm.
Nhà trường dấn thêm một bước mà tới nhà học sinh. Phụ huynh dấn thêm một bước mà vào trường trao đổi thêm với giáo viên- tham gia vào các hoạt động của trường. Và chương trình học phải là đồng bộ để xây dựng môi trường học đường trước khi xây dựng giáo trình học tập.
Phải khiến mỗi học sinh nhận thức được đâu là những hành vi bạo lực học đường, đâu là những điều các con không được phép làm. Nó là những nguyên tắc cần được giám sát- bám chặt và liên tục chứ không phải mời chuyên gia về một vài bận cho có hoạt động.
Cần phải thức tỉnh, chỉ dẫn cho học sinh nếu bạo lực xảy đến với mình các con sẽ được bảo vệ thế nào. Tôi vẫn ao ước trường nào cũng có những "hốc cây giữ điều bí mật". Ở đó, mọi tâm sự của các con đều được lắng nghe, đều được tư vấn, đều được giúp đỡ, đều được chia sẻ.
Và cuối cùng, chính cha mẹ và thầy cô phải là những người quán triệt nói không với bạo lực, bạo hành. Đều là người lớn rồi, chả có nhẽ không tự biết cách nói không với bạo lực???