Sau khi Nguyễn Xuân Đường bị bắt, Công an tỉnh Thái Bình đang mở rộng điều tra làm rõ các hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản… do băng nhóm này gây ra, trong đó có vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra năm 2014 đã tạm đình chỉ điều tra nay được phục hồi điều tra.
Vụ việc liên quan bà Đinh Thị Lý ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Sáng ngày 18/11/2014, khi bà cùng con trai đến trụ sở công an phường làm việc thì Đường cùng đàn em đã có mặt tại đây.
Sau 15 phút, Đường đã cho đàn em khép cửa phòng tiếp dân rồi trực tiếp đánh và xúc phạm nhân phẩm mẹ con bà.
Kết quả con trai bà Lý bị vỡ xương hàm mặt cầu lồi bên phải, phải phẫu thuật, tỷ lệ thương tật 15%.
Ngày 5/1/2015, Công an thành phố Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” nhưng 6 tháng sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án trên với lý do “chưa xác định được bị can trong vụ án” và “hết thời hạn điều tra”.
Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra khi nào thì một vụ án bị đình chỉ điều tra, căn cứ nào để phục hồi điều tra? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trao đổi PV VOV xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa luật sư, chúng tôi được biết, tạm đình chỉ điều tra là việc tạm ngừng tiến hành các hoạt động điều tra đối với vụ án hoặc đối với bị can vì những lý do nhất định. Vậy cụ thể đó là những lý do và căn cứ nào, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với vụ án liên quan đến mẹ con bà Lý là vào năm 2015.
Đây là thời điểm Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đang có hiệu lực thi hành và theo quy định tại Điều 160 Bộ luật này, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp như sau: Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu mà đã hết thời hạn điều tra; Trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà đã hết thời hạn điều tra.
Khi tạm đình chỉ điều tra đối với trường hợp này thì việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả giám định.
Từ khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 cho đến nay, ngoài các trường hợp như quy định tại Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nêu trên, thì có bổ sung thêm trường hợp tạm đình chỉ điều tra khi: Có yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp mà chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra.
Trong trường hợp này, việc định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Và cả hai Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và năm 2015 đều có quy định: Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can, còn đối với các bị can không có căn cứ tạm đình chỉ điều tra và có đủ căn cứ xử lý thì vẫn có thể tiếp tục tiến hành giải quyết theo quy định.
Trong trường hợp tạm đình chỉ điều tra do không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ điều tra.
PV: Đối chiếu với vụ việc của bà Lý ở thành phố Thái Bình, bà và con trai bị Nguyễn Xuân Đường và đàn em đánh ngay tại trụ sơ cơ quan công an phường, nhưng cơ quan chức năng lại tạm đình chỉ điều tra với lý do “chưa xác định được bị can trong vụ án” và “hết thời hạn điều tra”. Theo luật sư lý do này có hợp lý không?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo tôi thì lý do mà Cơ quan điều tra đưa ra để tạm đình chỉ điều tra là không hợp lý và thiếu thuyết phục.
Bởi vì, vụ việc xảy ra ngay tại trụ sở cơ quan Công an phường – Cơ quan có trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe và danh dự, nhân phẩm cho người dân.
Do đó trước hết, chúng ta không thể bỏ qua trách nhiệm của lực lượng Công an phường, họ đã không làm đúng và đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của mình khi để vụ việc diễn ra mà không thể kịp thời bảo vệ được người dân ngay tại trụ sở cơ quan Công an như vậy.
Đối tượng Nguyễn Xuân Đường. (Ảnh: Facebook đối tượng) |
Và đáng lẽ những hành vi ngang ngược, côn đồ, coi thường pháp luật, ngang nhiên xúc phạm, đánh, gây thương tích cho người khác ngay tại trụ sở Cơ quan Công an thì cần phải được xử lý kịp thời, nhanh chóng và nghiêm minh.
Tuy nhiên, vụ việc này lại bị kéo dài, rồi tạm đình chỉ với lý do “không xác định được bị can” là rất khó chấp nhận, gây bức xúc cho người bị hại, cũng như làm giảm niền tin của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của lực lượng Công an.
Điều đó có thể khiến dư luận xã hội đặt ra những hoài nghi, cũng như những câu hỏi rất lớn về sự công minh, khách quan và tuân thủ pháp luật, hoặc về kỹ năng, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm của Cơ quan cảnh sát điều tra trong khi giải quyết vụ việc này.
PV: Sau 5 năm tạm đình chỉ điều tra, nay cơ quan Công an đã có quyết định phục hồi điều tra vụ án, hủy quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với vụ án. Rõ ràng là phải có căn cứ nhất định để phục hồi điều tra. Pháp luật tố tụng hình sự có quy định những căn cứ này hay không, thưa luật sư? Chứ chúng ta cũng không thể tùy tiện phục hồi điều tra được hay không?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc quyết định phục hồi điều tra là không thể tùy tiện mà phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Tại Điều 235 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Và trong vụ án này, theo các thông tin trên báo chí thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra với căn cứ là đã xác định được bị can trong vụ án.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng. |
PV: Trong trường hợp cơ quan chức năng tạm đình chỉ điều tra mà người dân thấy không thỏa đáng thì chúng ta cần phải làm gì thưa luật sư ?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo quy định tại Điều 32, Điều 469 và Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nếu không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ điều tra, cho rằng quyết định này là trái pháp luật, không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho mình thì người dân có quyền khiếu nại, hoặc tố cáo đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra đang giải quyết vụ án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp theo quy định tại Chương 33, từ Điều 469 đến Điều 483 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Vụ án của gia đình bà Đinh Thị Lý ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình bị chìm xuồng suốt 5 năm qua, phải tới khi Nguyễn Xuân Đường bị bắt trong một vụ án cố ý gây thương tích khác, dư luận lên tiếng mạnh mẽ, công an thành phố Thái Bình mới ra quyết định phục hồi điều tra.
Hy vọng là với việc phục hồi điều tra này, các hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm này sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!./.