Từ vụ mạng xã hội vu khống hoa hậu Thùy Tiên: Tâm lý hám quyền lực ảo

NGUYÊN KHÁNH - GIA LINH |

Từ những thông tin vu vơ, vô căn cứ quanh vụ phá đường dây môi giới mại dâm có liên quan tới showbiz, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị réo tên, bị vu khống và bôi nhọ. PGS.TS. Trần Thành Nam gọi tên hiện tượng vu khống, bôi nhọ người nổi tiếng trên mạng xã hội này là xu hướng thích làm "thẩm phán mạng”, hám quyền lực ảo.


Từ vụ mạng xã hội vu khống hoa hậu Thùy Tiên: Tâm lý hám quyền lực ảo - Ảnh 1.

Cần giải pháp tổng thể ngăn chặn nạn vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội

Tâm lý thích tấn công người khác

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa bị vu khống, bôi nhọ chỉ vì tên cô giống tên viết tắt “T.T” được cho là của đối tượng liên quan đường dây mua bán dâm (sau này cơ quan chức năng nói rõ, đó không phải tên thật của đối tượng trong đường dây nọ). Những thông tin vô căn cứ bỗng dưng được một số đối tượng sử dụng để hạ bệ người nổi tiếng. Thùy Tiên không phải là người nổi tiếng duy nhất trở thành nạn nhân của những bình luận ác ý, vu khống trên mạng xã hội.

“Xu hướng thích chỉ trích, hạ bệ người khác không còn mới lạ, nó xưa như trái đất rồi. Điều này dễ xảy ra là do bối cảnh ngày nay cái gì cũng có thể được đưa lên mạng, dễ dàng trở thành những vấn đề thu hút dư luận, đặc biệt các vấn đề liên quan tới mặt trái xã hội. Đằng sau hiện tượng ấy là tâm lý thích trở thành “thẩm phán” trên mạng. Trong nội tâm của những người này có nhiều ấm ức, có thể quá nhiều suy nghĩ tiêu cực. Một trong cách thức để giải tỏa ẩn ức theo cách nghĩ của họ chính là muốn nhìn thấy người khác tiêu cực như họ. Càng những người có vị trí xã hội, có danh hiệu bị hạ nhục càng khiến họ cảm thấy thỏa mãn. Những người này rất thích tấn công người khác”, PGS.TS. Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) phân tích.

Nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nói, xuất phát từ tâm lý a dua theo đám đông và đôi khi là tâm lý muốn thể hiện bản thân, nên những người như vậy đều góp một ý kiến vào cuộc bàn luận. Đặc biệt là trong những cuộc bàn luận đó có rất nhiều đối tượng, nhiều người lợi dụng tin đồn, đẩy sự việc lên cao để trả thù cá nhân với một nhân vật nổi tiếng nào đó, hoặc đó là một cái cớ để họ thể hiện sự không đồng tình, lên án một cá nhân mà họ cảm thấy chưa hài lòng.

“Có những người trong cuộc sống thật vấp phải thất bại nhưng lại giả vờ thạo tin để đưa thông tin gây sốc trên mạng. Ðể có quyền lực ảo, càng ngày càng có nhiều người nhàn cư vi bất thiện, làm cho mạng xã hội càng loạn lên”.

PGS.TS. Trần Thành Nam

Từ vụ mạng xã hội vu khống hoa hậu Thùy Tiên: Tâm lý hám quyền lực ảo - Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Thành Nam

“Đấy cũng chính là một vấn nạn trong việc thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng. Hiện nay rất nhiều người, trong lúc thông tin hay vụ việc còn chưa rõ ràng, hoặc đang trong giai đoạn điều tra, nhưng lại đưa những thông tin lên mạng với vai trò như là mình là người trong cuộc, như thể mình chứng kiến. Đôi khi điều này sẽ gây nhiễu loạn thông tin, gây tổn hại tới uy tín của người khác”, anh Tuấn Anh nói.

Người càng nổi tiếng càng dễ bị hạ bệ, dễ dính vào thị phi. Thực tế hiện nay có một nhóm người “nhàn cư vi bất thiện”, sống không đam mê chỉ thích chờ trực tin tức trên mạng để “hóng” và cảm thấy hả hê khi người nổi tiếng, có vị trí trong xã hội bị vu oan. “Việc hóng tin này cho họ cảm giác không bị lỗi thời, giúp tự xoa dịu sự thất bại và hay cảm xúc tiêu cực. Chứng bệnh khá phổ biến này FOMO (sợ bị bỏ rơi)-một trong những thành tố khiến cho người ta ngày càng có xu hướng hóng tin đồn, tham gia bình luận ác ý trên mạng”, PGS.TS. Trần Thành Nam nêu.

Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã gửi văn bản đến Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đề nghị xác minh, xử lý hành vi vi phạm hành chính hai chủ tài khoản Facebook đã có hành vi tự ý đăng hình ảnh, sử dụng hình ảnh của hoa hậu trái phép. Việc này kéo theo những thông tin úp mở, tạo ra sự nghi ngờ trong công chúng về việc hoa hậu có liên quan đến hoạt động “môi giới mại dâm” của nghi phạm Lê Hoàng Long. Hành vi của chủ tài khoản mạng xã hội tạo ra sự hoang mang trong dư luận, xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm và gây tổn hại đến hình ảnh của hoa hậu.

Ngày 9/9, Cục Cảnh sát Hình sự khẳng định, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên không liên quan đến tên viết tắt T.T trong đường dây mại dâm có một số người đẹp trong showbiz tham gia vừa bị triệt phá.

Từ vụ mạng xã hội vu khống hoa hậu Thùy Tiên: Tâm lý hám quyền lực ảo - Ảnh 3.

Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Những lời cáo buộc vô căn cứ trên mạng xã hội có tính sát thương cực kỳ lớn, ảnh hưởng đến uy tín sự nghiệp, ảnh hưởng đến cả cuộc sống. Khi một cá nhân nào đó là nhân vật chính, cộng đồng mạng lao vào chửi rủa, lăng mạ cả bố mẹ, anh chị em, cả con cái của họ. “Người nổi tiếng, những cá nhân đại diện cho công ty, doanh nghiệp, tổ chức mà họ đang công tác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với những người nổi tiếng thì uy tín rất quan trọng, họ đại diện cho rất nhiều nhãn hàng, trong đó các nhãn hàng thường hướng đến các giá trị tích cực của cuộc sống như giá trị hạnh phúc, giá trị chung thủy, những giá trị mang tính chất tinh thần rất lớn lao...”, TS. Tuấn Anh nói.

Cơ chế phòng vệ cho người nổi tiếng

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt cho rằng, các mạng xã hội mang đến sự kết nối không giới hạn nhưng cũng mang đến hệ lụy về các tin đồn vô căn cứ… Giải pháp tốt nhất là những người nổi tiếng có thể tận dụng chính mạng xã hội mà mình đang tham gia, để nói rõ quan điểm của mình khi nhận thấy các tin đồn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.

"Khi chúng ta đã có Luật An ninh mạng, chính những người nổi tiếng cũng cần phải có các đơn vị tư vấn luật độc lập, giúp họ thu thập những bằng chứng từ các cá nhân, tổ chức có hành vi bôi nhọ, vu khống… Từ đó, nếu xảy ra thiệt hại hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường. Trong thời đại công nghệ, đừng để nước đến chân mới nhảy mà chính người nổi tiếng cũng cần một cơ chế phòng vệ thích hợp, để khi có nguồn tin bất lợi, bị vu khống… thì có phương án giải quyết nhanh, hợp lý nhất dựa trên quy định của pháp luật", Nguyễn Phong Việt nói.

BẢO HÂN

Bình luận ảo, trừng phạt thật

Một bộ phận không nhỏ thường có thành kiến với những người trẻ trung, giỏi giang, tài năng và thậm chí giàu có. Sự đố kị này dẫn tới việc nhiều người có hoặc không chủ tâm ác ý nhưng đóng góp những bình luận mang tính chất kết tội, lăng mạ người khác vô căn cứ. Nghịch lý ở chỗ đám đông càng lớn thì trách nhiệm càng nhỏ. Mỗi người đều đưa ra bình luận ác ý nhưng không có người phải chịu trách nhiệm cuối cùng dẫn dẫn tới chuyện “hòa cả làng”.

Nhìn ra hiện tượng nhưng để có được những giải pháp căn cơ ngăn chặn nạn vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội không dễ dàng gì. “Không thể nào có một lực lượng có thể nhắc nhở, xử lý giải quyết triệt để được. Chính vì thế mà chúng ta chỉ có thể khuyến cáo người dùng mạng internet, người dùng Facebook hoặc người dùng mạng xã hội nói chung phải biết chọn lọc thông tin, phải tìm hiểu các nguồn thông tin chính thống, bởi thông tin xấu độc nhan nhản trên mạng xã hội. Từ đó người dùng sẽ hình thành kỹ năng sử dụng mạng, khi có kỹ năng sử dụng mạng rồi các bạn trẻ sẽ có ý thức, luôn tỉnh táo, chọn lọc, phân tích, nhìn nhận. Khi có thông tin hay bất cứ một sự kiện được đăng tải lên thì họ sẽ không vội vàng bình luận, mà họ sẽ đọc và đôi khi họ sẽ tham khảo ý kiến, bình luận của người khác để có quan điểm phù hợp”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.

Từ vụ mạng xã hội vu khống hoa hậu Thùy Tiên: Tâm lý hám quyền lực ảo - Ảnh 5.

Ðối tượng Lê Hoàng Long bị bắt giữ trong vụ triệt phá đường dây môi giới mại dâm có liên quan người nổi tiếng

Tính chất mạng xã hội là ẩn danh và mang tính đám đông. Vì vậy để giải quyết bài toán này cần phải tìm giải pháp làm thế nào để tính đám đông ít hơn, tính ẩn danh ít đi, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất. “Tôi cho rằng cần có giải pháp đưa ra mã định danh công dân số, làm bớt tính đám đông và ẩn danh. Nếu một tài khoản vi phạm khi đưa thông tin sai lệch, vu khống người khác lập tức có thể bị gắn mã sao xấu, hoặc có biện pháp giới hạn số lượng người tiếp cận của chủ tài khoản mạng xã hội đó. Xử phạt vi phạm hành chính cũng chưa đủ, phải xử phạt bằng sự chú ý, chính là cho “vào tù trên mạng”. Nghĩa là những thông điệp tiêu cực đó chỉ tiếp cận được một nhóm nhỏ, hoặc chặn nội dung xấu độc của họ trên mạng xã hội”, PGS.TS. Trần Thành Nam nói.

Các chuyên gia khẳng định cần phải có giải pháp tổng thể, trong đó cốt lõi là giáo dục. “Về cơ bản chúng ta không thể cách ly giới trẻ khỏi điện thoại thông minh, internet mà phải trang bị năng lực ứng xử mạng xã hội cho họ. Đâu riêng người trẻ, ngay người già cũng chưa có năng lực ứng xử trên mạng xã hội. Người già vào mạng xã hội cũng dính lừa đảo, để lộ thông tin đấy thôi. Sau quá trình trang bị, dần dần mọi người sẽ có năng lực tốt hơn”, ông Trần Thành Nam nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại