Từ vụ Kepa – HLV Sarri: Vì sao kháng lệnh trở thành tiền lệ?

TÙNG GIANG |

Trước đây, trong ranh giới đội bóng, quyền lực tập trung và tầm ảnh hưởng thuộc về HLV trưởng, thì giờ đây thứ quyền lực tối thượng đó được chi phối bởi một nhóm nhỏ cầu thủ hay chỉ duy nhất một ngôi sao. Chưa bao giờ chiếc ghế HLV trưởng lại chênh vênh đến vậy.

Tại những phút cuối của hiệp phụ thứ 2, trước khi diễn ra loạt sút penalty cân não giữa Chelsea và Man City trong trận chung kết Cúp liên đoàn Anh, thủ thành Kepa có dấu hiệu chuột rút, ngay lập tức HLV Sarri điều chỉnh nhân sự khi tung Caballero thay thế.

Đây được coi là quân bài chiến thuật của HLV Sarri khi tin dùng Caballero cho loạt luân lưu bởi thủ thành này hiểu rất rõ đối thủ (Caballero từng có 3 năm khoác áo Man City).

Từ vụ Kepa – HLV Sarri: Vì sao kháng lệnh trở thành tiền lệ? - Ảnh 1.

HLV Sarri nổi cáu khi nhận được phản ứng từ học trò. (Ảnh: PA)

Chuyện chẳng có gì nếu như thủ thành Kepa không phản ứng với quyết định này. Việc Kepa cương quyết không rời sân khiến HLV Sarri như phát điên trước cậu học trò ngỗ ngược. 

Cho dù sau đó những người trong cuộc đã lý giải về “sự hiểu lầm” sau trận đấu. Nhưng trong một giai đoạn nhạy cảm khi câu lạc bộ (CLB) này liên tiếp dính vào những lùm xùm trong phòng thay đồ và những phản ứng, câu chuyện có lẽ không đơn thuần như vậy.

Vì đâu nên nỗi?

Bóng đá hiện đại đang dần chuyển dịch những giá trị truyền thống cốt lõi. Vòng xoáy kim tiền xung quanh trái bóng, cùng với năng lực tài chính của những ông bầu quyết định mọi thứ. Tầm ảnh hưởng của HLV giảm dần. Giá trị cầu thủ tăng phi mã và xuất hiện nhiều hơn những ngôi sao chuyển nhượng.

Đối với các ông bầu, tiền không còn là vấn đề lớn, chỉ cần mẫu cầu thủ mà họ nhắm tới phù hợp và đáp ứng được chuyên môn thì giá trị thực không phải là vấn đề. Họ sẵn sàng chi cả núi tiền đầy cảm tính cho những ngôi sao họ thích và cũng sẵn sàng bán đứt công thần của đội khi "có tuổi". Đó là một trong những nguyên nhân tính kế thừa truyền thống thi đấu vì tình yêu CLB bị mai một.

Môn thể thao vua mang đậm tính thị trường, và thực dụng đang sản sinh ra "những ông vua không ngai". Tình yêu, niềm kiêu hãnh với CLB xếp dưới cái tôi của cầu thủ. Họ chỉ thực sự thi đấu khi thỏa mãn các mức đãi ngộ cùng sự hài lòng trong yêu sách.

Từ vụ Kepa – HLV Sarri: Vì sao kháng lệnh trở thành tiền lệ? - Ảnh 2.

Ảnh: Worldsoccertalk

Các cầu thủ được nuông chiều, lãng quên dần những giá trị truyền thống, đạo đức, bản ngã của một cầu thủ chuyên nghiệp. Họ chơi thứ bóng đá chuyên nghiệp nhưng bằng cái tâm huyết. Cầu thủ thi đấu với cái tôi lớn lấn át tình yêu màu cờ sắc áo, một số cầu thủ ích kỉ và tạo nên những nhóm lợi ích.

Với HLV, công việc chính là đấu cúp, tìm mọi cách để thắng và có được danh hiệu nhanh chóng. Những chính sách chuyển nhượng, và ăn xổi danh hiệu bóp méo mọi giá trị về cái đẹp, tính nghệ thuật của bóng đá. Bản sắc và tình yêu dành cho đội bóng trở thành hàng hiếm.

CLB Chelsea của hiện tại nói không quá chính là hình ảnh phản ánh những vấn đề tồn tại của bóng đá hiện đại, các cầu thủ tạo ra tiền lệ đi ngược lại những giá trị của CLB và HLV mong muốn đang dần hình thành.

Tương lai của HLV trước đây luôn gắn liền với thành tích, năng lực dẫn dắt, lối chơi cùng sách lược phát triển đội bóng thì giờ đây gắn thêm lợi ích của cầu thủ thay vì lợi ích chung của tập thể.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại