Mới đây diễn viên Ngọc Lan vừa phát trực tiếp (livestream) trên Facebook, khóc nức nở, khẳng định đã bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Theo lời chia sẻ, vào 3 năm trước, cô đã mua bảo hiểm cho mình và con trai, tổng mức phí 700 triệu đồng/năm. Do tin tưởng người tư vấn, nên cô đã ký hợp đồng và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cộng gốc và lãi là 10 tỉ đồng (bao gồm 7 tỉ đồng tiền gốc và 3 tỉ đồng tiền lãi cộng thêm).
Tuy nhiên, mãi gần đây cô mới bàng hoàng biết thêm thông tin: nếu đóng đến năm thứ 10 thì số tiền có thể ít hơn 7 tỉ đồng tiền gốc, chứ không cao như tư vấn ban đầu.
Diễn viên Ngọc Lan livestream trưa 7/4 kể lại chuyện sai sót bản thân khi mua bảo hiểm.
Từ hy vọng bảo hiểm nhân thọ sẽ trở thành tấm khiên tài chính vững chắc, bảo vệ trước rủi ro về sức khỏe, tính mạng, diễn viên Ngọc Lan lại rơi vào cảnh hụt hẫng, ấm ức, cho rằng đã bị tư vấn mập mờ.
Những chia sẻ của nữ diễn viên đã khiến nhiều người, đặc biệt là những khách hàng của các công ty bảo hiểm, vô cùng hoang mang. Không ít người tìm lại hợp đồng bảo hiểm đã mua để xem xét lại những điều khoản trong đó. Bởi trên thực tế, nhiều người mua bảo hiểm phần lớn đều đặt niềm tin vào nhân viên tư vấn, tìm hiểu về quyền lợi bảo hiểm mình được nhận mà không quan tâm đến những điều kiện ràng buộc cũng như những khoản phí thường niên trong quá trình tham gia.
Như vậy, trước khi tham gia bảo hiểm của bất kì công ty nào, khách hàng cũng nên tìm hiểu thật kĩ về hợp đồng bảo hiểm cũng như các mốc thời gian quan trọng trong suốt quá trình tham gia.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì?
Trước tiên, người tham gia bảo hiểm cần hiểu được 2 khái niệm liên quan tới thời gian đóng bảo hiểm nhân thọ.
Thứ nhất, thời hạn của một hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian mà hợp đồng có hiệu lực và quyền lợi của người tham gia vẫn được duy trì. Thời hạn bảo hiểm thường duy trì trong khoảng từ 10 đến 25 năm, tới tuổi tối đa tại ngày đáo hạn là 75 tuổi, hoặc là trọn đời.
Ảnh minh họa
Thứ 2, thời hạn đóng phí là khoảng thời gian mà người tham gia thực hiện đóng phí để hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho một hợp đồng. Khách hàng có thể lựa chọn thời hạn đóng phí bảo hiểm linh hoạt. Có thể:
+ Đóng phí 1 lần: Người tham gia đóng phí bảo hiểm cho hợp đồng của mình 1 lần duy nhất tại thời điểm ký hợp đồng.
+ Đóng phí ngắn hơn thời hạn bảo hiểm: Đây là hình thức đóng phí trong vòng 5 năm, hoặc 10 năm đầu tiên của hợp đồng nhưng các quyền lợi vẫn được duy trì khi kết thúc hợp đồng.
+ Đóng phí bằng thời hạn bảo hiểm: Khách hàng lựa chọn thời hạn đóng phí bằng thời hạn bảo hiểm. Đây là hình thức phổ biến nhất, không tạo áp lực kinh tế cho khách hàng.
Nếu khách đóng phí ngắn thì thời gian nộp phí sẽ ngắn hơn, đồng thời tổng số phí cần đóng cũng sẽ ít hơn. Tuy nhiên, số phí đóng mỗi kỳ sẽ cao hơn và phù hợp với những người có điều kiện kinh tế, thu nhập tốt trong thời gian đóng phí.
Còn với hình thức đóng phí dài sẽ giúp giảm áp lực đóng phí cho khách hàng, do tổng số phí đóng được chia ra thời gian dài. Khi đó, số tiền mỗi kỳ đóng phí thấp hơn nhưng tổng số phí đóng toàn bộ thời kỳ hợp đồng sẽ lớn hơn.
Do vậy, tùy thuộc vào mỗi sản phẩm và nhu cầu cũng như khả năng kinh tế của khách hàng mà lựa chọn thời hạn đóng phí phù hợp.
Giá trị hoàn lại của bảo hiểm nhân thọ là gì?
Giá trị hoàn lại (Cash Surrender Value hay giá trị giải ước) là số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ nhận được khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc trước khi sự kiện được bảo hiểm xảy ra. Cần lưu ý rằng, điều này chỉ áp dụng cho những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại và không phải tất cả sản phẩm đều có khoản đó.
Giá trị hoàn lại của bảo hiểm nhân thọ được tính bằng công thức sau:
Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ = Giá trị tài khoản (tại ngày chấm dứt hợp đồng) - Chi phí chấm dứt hợp đồng.
Lưu ý: Giá trị hoàn lại của một hợp đồng bảo hiểm liên kết chung hay liên kết đơn vị cũng được xác định theo công thức này. Trong đó, chi phí chấm dứt hợp đồng của mỗi các công ty bảo hiểm là khác nhau.
Một lưu ý khác dành cho bạn chính là giá trị hoàn lại sẽ tương đương với số phí bảo hiểm đã đóng kể từ năm thứ 10. Sau đó giá trị hoàn lại sẽ dần tăng dần lên qua từng năm. Ví dụ, bạn tham gia bảo hiểm vào năm 2021 thì 10 năm sau (tức năm 2031) giá trị hoàn lại sẽ tương đương với số phí bảo hiểm đã đóng. Từ năm 2032 trở về sau, giá trị này sẽ tăng lên và lớn hơn số phí bảo hiểm.
Ngoài ra, căn cứ vào quy định trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2000: Bên mua bảo hiểm chỉ được nhận giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu có thời gian đóng phí từ 2 năm trở lên. Các hợp đồng có thời gian đóng phí dưới 2 năm thì KHÔNG có giá trị hoàn lại.
Ảnh minh họa
Hai mốc thời gian cần lưu ý trên hợp đồng bảo hiểm
21 ngày cân nhắc - quyền dùng thử cho khách hàng mới
Thời gian cân nhắc của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 21 ngày kể từ ngày khách hàng nhận bộ hợp đồng. Đây được xem là quyền lợi dùng thử bảo hiểm.
Trong thời gian này, khách hàng có quyền cân nhắc, thay đổi, điều chỉnh một số thông tin, thậm chí từ chối tiếp tục tham gia. Nếu khách hàng đổi ý không tiếp tục tham gia, công ty bảo hiểm sẽ hoàn lại tổng phí đã đóng, không có lãi, sau khi trừ đi một số chi phí xét nghiệm, y khoa (nếu có). Sang ngày thứ 22, yêu cầu hủy hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, người mua nên tận dụng khoảng thời gian cân nhắc để xem lại các thông tin đã cung cấp cho đơn vị bảo hiểm; tìm đọc quy tắc, điều khoản cũng như các tài liệu khác trong bộ hợp đồng. Nếu phát hiện sai sót hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, người mua nên liên hệ ngay với tư vấn viên hoặc công ty bảo hiểm để được hỗ trợ, giải đáp.
Khách hàng chỉ nhận được quyền lợi sau thời gian chờ
Khách hàng cần lưu ý rằng không phải mọi quyền lợi bảo hiểm đều có hiệu lực ngay tại thời điểm hợp đồng phát hành.
Thời gian chờ là khoảng thời gian tính từ lúc hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho đến khi người mua được quyền nhận quyền lợi nếu phát sinh sự kiện bảo hiểm. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian chờ, quyền lợi bảo hiểm sẽ không được chi trả.
Không phải mọi sản phẩm bảo hiểm đều quy định thời gian chờ, chúng xuất hiện chủ yếu ở các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thai sản.
Thông thường, thời gian chờ của các quyền lợi này được quy định: nằm viện là 30 ngày, bệnh hiểm nghèo là 90 ngày, thai sản là 270 ngày. Riêng đối với bảo hiểm tai nạn, thời gian chờ không áp dụng. Người mua cần lưu ý rằng, không phải mọi quyền lợi bảo hiểm đều có hiệu lực ngay tại thời điểm hợp đồng phát hành, nếu chúng bị ràng buộc về thời gian chờ.
Ví dụ, chị Phan Hằng (Hà Nội) mua gói bảo hiểm vào ngày 1/1/2023. Sau đó 20 ngày, chị Hằng có triệu chứng viêm phổi cấp và phải nhập viện điều trị 7 ngày với chi phí là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chị liên hệ với công ty bảo hiểm để yêu cầu thanh toán chi phí nằm viện này, nhưng phía công ty cho biết, quyền lợi nằm viện của chị đang trong thời gian chờ và công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường chi phí này.
Khi liên hệ với tư vấn viên để đòi hỏi quyền lợi và được người này giải thích, hướng dẫn xem lại bộ hợp đồng. Theo đó, thời gian chờ của quyền lợi nằm viện theo hợp đồng là 30 ngày, tính ra, chị mới tham gia bảo hiểm hơn 20 ngày.