Từ vụ Decao "tăng tương tác" với Lâm Minh: Vòng tròn bạo lực hay Hội chứng Stockholm trong tình yêu đáng sợ thế nào?

PV |

Điều gì khiến một người không nhận ra sự độc hại của người yêu, thậm chí tỏ ra thông cảm, yêu thương người gây bạo lực lên mình?

Những ồn ào xung quanh sự việc của Lâm Minh và Decao vẫn đang thu hút sự chú ý của MXH. Vào ngày 25/5, Decao đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về mâu thuẫn gia đình khiến Lâm Minh phải ôm con bật livestream khóc nức nở, miệng còn chảy máu để "kêu cứu".

Tuy nhiên, thay vì thừa nhận đã sai vì dùng bạo lực với người chung sống, Decao lại né tránh bằng cách dùng từ "tăng tương tác" khiến nentizen phẫn nộ chồng phẫn nộ.

Từ vụ Decao "tăng tương tác" với Lâm Minh: Vòng tròn bạo lực hay Hội chứng Stockholm trong tình yêu đáng sợ thế nào?- Ảnh 1.

Livestream gây sốc của Lâm Minh tối ngày 24/5.

Trong suốt quãng thời gian chung sống và công khai có con đầu lòng, Decao không cho Lâm Minh một danh phận vợ - chồng chính thức. Dấu hiệu rạn nứt của cặp đôi này đã xuất hiện từ năm 2022 và đến hiện tại, 2024, thì mối quan hệ của Decao - Lâm Minh ngày một trở nên tệ hại hơn.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, tại sao cứ phải chịu đựng sự bạo lực trong các mối quan hệ? Điều gì khiến một người không nhận ra sự độc hại của người yêu, thậm chí tỏ ra thông cảm, yêu thương người gây bạo lực lên mình?

Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Đặng Minh Khuê - Chuyên gia tham vấn trị liệu tậm lý tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần BrainCare, Hà Nội, đã có những chia sẻ với chúng tôi về hội chứng này.

Sự lặp lại và chu kỳ của bạo lực

Theo Thạc sĩ Minh Khuê, vòng tròn bạo lực là một mô hình được sử dụng để mô tả sự vận hành chung của các mối quan hệ lạm dụng. Thực tế, một người có xu hướng bạo lực hiếm khi bộc lộ góc độ này của bản thân trong giai đoạn đầu tiên của mối quan hệ, thay vào đó họ thường rất tử tế.

Đây là giai đoạn ‘Trăng mật’, nạn nhân dễ bị sa vào bẫy mật ngọt và tin rằng đối phương là một người yêu, người bạn đời lý tưởng. Kèm với giai đoạn này là trạng thái ‘Bình yên’, mọi chuyện dường như hoàn hảo.

Nếu có dấu hiệu của bạo hành, kẻ lạm dụng sẽ nhanh chóng xin lỗi và có những hành động để làm lành (tặng quà, ôm ấp, tạo bầu không khí yêu thương,...). Tuy nhiên, đến một thời điểm, gọi là giai đoạn ‘Căng thẳng’, những vấn đề bắt đầu xuất hiện rõ rệt, cặp đôi có thể cãi nhau, hoặc nạn nhân cố gắng xoa dịu đối phương.

Từ vụ Decao "tăng tương tác" với Lâm Minh: Vòng tròn bạo lực hay Hội chứng Stockholm trong tình yêu đáng sợ thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mọi thứ đến đỉnh điểm là khi bạo lực nổ ra, những cú đánh đầu tiên, những lời nói cay nghiệt, những hành vi gây tổn hại tinh thần... Đây cũng là thời điểm, bầu không khí căng thẳng bị phá vỡ và khi cơn hung hăng qua đi, người gây bạo lực sẽ tỏ ra hối cải, ra sức hứa hẹn và xin lỗi; hoặc có những trường hợp kẻ bạo hành đổ lỗi và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc. Cặp đôi lại bước vào giai đoạn ‘Trăng mật’ và ‘Bình yên’, nạn nhân mủi lòng và tin rằng người yêu đã thay đổi, thậm chí tin rằng mình có lỗi – giai đoạn này khiến họ khó dứt khỏi mối quan hệ độc hại.

Thế nhưng, hành vi bạo lực có xu hướng lặp lại và gia tăng. Dần dần, thời gian trăng mật và bình yên sẽ ngắn lại và biến mất, mật độ hành vi bạo lực sẽ nhiều lên và xảy ra liên tục hơn, mức độ nghiêm trọng cũng ngày leo thang.

"Đã có nhiều trường hợp mọi chuyện bắt đầu bằng một cái tát, một lời nói, nhưng kết thúc bằng một nhát dao", thạc sĩ Khuê nói.

Hội chứng Stockholm trong tình yêu

Vậy điều gì khiến cho người ta dễ sa vào chiếc bẫy của giai đoạn ‘Trăng mật’ đến thế? Một nguyên nhân phổ biến là hội chứng Stockholm. Hiện tượng này được đặt tên theo một vụ cướp ngân hàng và bắt cóc con tin xảy ra vào năm 1973 ở Stockholm, Thụy Điển. Sau khi được thả, các con tin từ chối làm chứng chống lại bọn cướp ngân hàng, họ thậm chí còn tin tưởng nhóm cướp hơn cả cảnh sát.

Ngày nay, “hội chứng Stockholm” hay được dùng để mô tả một người ở trong mối quan hệ lạm dụng nhưng từ chối rời đi và/hoặc thậm chí có thể đồng cảm, yêu thương kẻ ngược đãi mình. Cụ thể, những người có hội chứng này thường có xu hướng:

  • Gắn bó tình cảm với kẻ bạo hành
  • Bảo vệ kẻ bạo hành hoặc đưa ra lời biện minh cho những hành vi bạo lực
  • Thiếu mạng lưới hỗ trợ—ví dụ: bị cắt đứt liên lạc với bạn bè và gia đình
  • Cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc lòng tự trọng thấp
  • Cảm giác “nợ” kẻ bạo hành vì đã không bạo hành nhiều hơn
  • Né tránh việc tìm kiếm hoặc nhận sự giúp đỡ
  • Sự gắn bó và những cảm xúc tích cực đối với kẻ bạo hành
  • Hiểu lầm hoặc không nhận thức được hành vi lạm dụng
  • Phủ nhận việc mình đang bị bạo hành trong mối quan hệ
Từ vụ Decao "tăng tương tác" với Lâm Minh: Vòng tròn bạo lực hay Hội chứng Stockholm trong tình yêu đáng sợ thế nào?- Ảnh 3.

Người khác có thể cảm thấy kỳ lạ khi nhìn vào những biểu hiện, nhưng hiện tượng được xem là một cách sinh tồn. Thạc sĩ Minh Khuê cho biết, đây không phải biểu hiện của sự yếu đuối, nó là một nỗ lực của tâm trí để tự xoa dịu, đồng thời làm cho tình huống đang mất kiểm soát có vẻ dễ kiểm soát hơn. Không phải tất cả mọi người trải qua bạo lực trong các mối quan hệ đều sẽ có hội chứng Stockholm, hiện tượng này dễ xuất hiện hơn ở những người:

  • Bị lạm dụng trong thời gian dài.
  • Phải phụ thuộc vào kẻ lạm dụng để được đáp ứng những nhu cầu cơ bản
  • Gần gũi về mặt thể xác với người bạo hành mình, cảm nhận được sự đồng cảm ở một mức độ nào đó.
  • Bị cô lập khỏi người thân yêu.
  • Tuổi thơ trải qua bạo lực, thiếu thốn tình yêu

Phản ứng với các dấu hiệu trong mối quan hệ lạm dụng

"Bạo lực chỉ kết thúc khi người trong cuộc chấp nhận thay đổi và/hoặc rời đi, vậy nên tìm đến sự hỗ trợ ngay nếu bạn cảm thấy không an toàn trong mối quan hệ hiện tại. Tuy nhiên, khi bạn có cảm giác đồng cảm người bạo lực mình, hoặc có những dấu hiệu như đã nêu ở trên, mọi chuyện có thể sẽ không dễ dàng chút nào" - Thạc sĩ Minh Khuê cho biết và đưa ra một số lời khuyên:

Thừa nhận những gì đang xảy ra

Nhận ra rằng bản thân đang ở trong tình huống có khả năng bị lạm dụng có thể là bước quan trọng đầu tiên. Hãy nhắc nhở bản thân rằng: Bạn không có lỗi trong những gì đang xảy ra, hành vi bạo lực mà bạn đang trải qua là không thể chấp nhận được, bạn xứng đáng được an toàn và bạn có thể có được cảm giác đó. Đây là một trong những điều cốt lõi giúp bạn thoát khỏi vấn đề, nếu quá khó khăn, hãy tìm đến người thân bạn có thể tin tưởng, hoặc một nhà chuyên môn, hoặc những tổng đài hoạt động trong lĩnh vực này để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.

Từ vụ Decao "tăng tương tác" với Lâm Minh: Vòng tròn bạo lực hay Hội chứng Stockholm trong tình yêu đáng sợ thế nào?- Ảnh 4.

Tập trung vào sự an toàn

Sự an toàn về thể chất và cảm xúc cần là ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy sợ hãi, bất an trong mối quan hệ của mình, việc lập một kế hoạch an toàn thường là điều tối quan trọng. Để làm như vậy, bạn có thể cân nhắc việc liên hệ với các nguồn lực địa phương trong khu vực của mình, hoặc những địa chỉ, trung tâm đáng tin cậy để được giúp đỡ.

Kết nối với những người xung quanh

Sự cô lập với xã hội là dấu hiệu đặc trưng của sự lạm dụng và nó có thể góp phần và/hoặc làm trầm trọng thêm hội chứng Stockholm. Đó là lý do tại sao việc kết nối với mạng lưới hỗ trợ là điều rất quan trọng. Bạn bè, gia đình, hàng xóm, thành viên cộng đồng và các nhóm hỗ trợ khác có thể giúp bạn có được cái nhìn thực tế hơn về tình hình, chuẩn bị hoặc thực hiện kế hoạch an toàn cũng như hỗ trợ về mặt tinh thần và thậm chí cả vật chất trong suốt quá trình.

Chăm sóc bản thân

Ở trong một mối quan hệ bạo lực sẽ bào mòn bất kể ai, về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Đó là lý do tại sao việc tham gia chăm sóc bản thân nhiều nhất có thể trong thời gian này có thể hữu ích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại