Từ vụ bé 8 tháng tuổi bị ngộ độc orezol, cha mẹ cần ghi nhớ hướng dẫn của bác sĩ dưới đây

Tùng Anh |

Rất nhiều trường hợp cha mẹ vì thiếu hiểu biết hoặc không cẩn trọng khi pha orezol (ORS) cho con trẻ đã phải đưa con đi cấp cứu bệnh viện, thậm chí có trường hợp phải trả bằng mạng sống.

Từ vụ bé 8 tháng tuổi bị ngộ độc orezol, cha mẹ cần ghi nhớ hướng dẫn của bác sĩ dưới đây - Ảnh 1.

Những tai nạn đáng tiếc do cha mẹ pha orezol sai cách

Gần đây nhất là trường hợp cháu bé Nguyễn T.A 8 tháng tuổi ở Hà Nội, do mẹ pha ORS sai cách dẫn đến phải cấp cứu ở BV Nhi Trung ương.

Ngày 3/4, bé A được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức, li bì.

BS chẩn đoán cháu bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).

Ths.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu – Chống độc BV Nhi TƯ cho biết, tăng natri máu là dấu hiệu của mất nước trong tế bào, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm và có thể gây teo não.

Ở trường hợp này, tuy không gây nguy hiểm tính mạng nhưng về lâu dài bệnh nhi vẫn cần được kiểm tra, đánh giá lại xem có tổn thương thần kinh hay không.

Trước đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhi ngộ độc muối do người nhà cho bé uống ORS không đúng quy định.

Bệnh nhân tử vong sau 18 giờ dù đã được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Nguyên nhân bệnh nhi bị tiêu chảy và nôn ở nhà từ hôm trước.

Người mẹ đã cho bé uống hết hơn 3 gói ORS bằng cách pha từng ít một ra chén và cho trẻ uống liên tục vì thấy cháu vẫn khát.

Đây chính là nguyên nhân làm cho cháu tử vong vì tiêu chảy mất nước ưu trương nặng do uống dung dịch ORS pha sai nồng độ. Lượng muối quá đậm đặc làm trẻ tử vong do phù não cấp tính nặng.

Nên làm gì khi nghi trẻ ngộ độc muối?

Khi dùng dung dịch ORS để bù nước và muối cho trẻ tiêu chảy, sốt, nếu thấy các dấu hiệu như khát dữ dội, môi khô, mắt trũng, ngủ gà hoặc sốt, co giật…. cần ngừng không cho trẻ uống thêm dung dịch ORS và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu vì trẻ có thể bị ngộ độc muối do uống dung dịch ORS pha đặc quá.

Người nhà của trẻ hoặc cô nuôi dạy trẻ không nên cho trẻ uống tiếp dung dịch ORS khi trẻ khát, đòi uống bởi tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa nếu tiếp tục cho uống ORS pha đặc quá.

Từ vụ bé 8 tháng tuổi bị ngộ độc orezol, cha mẹ cần ghi nhớ hướng dẫn của bác sĩ dưới đây - Ảnh 2.

Hướng dẫn cách pha ORS đúng chuẩn quy định

ThS.BS. Bùi Mai Hương chia sẻ trên Báo SK&ĐS về cách pha đúng chuẩn dung dịch ORS như sau:

- Cần đọc kỹ hướng dẫn cách pha của gói thuốc về lượng nước phù hợp.

Cụ thể, nếu gói ORS hướng dẫn pha với 200ml, cần pha đủ 200ml nước; hướng dẫn pha với 500ml, phải pha đủ với 500ml nước hoặc pha 1.000ml (1 lít) phải đủ 1.000ml mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ.

Như vậy, để pha đúng tỷ lệ cần phải có dụng cụ đo (cốc thủy tinh 200ml có chia vạch hoặc cốc thuỷ tinh 500ml, có chia vạch, tốt nhất là cốc 1.000ml, có chia vạch).

Nếu pha quá loãng giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, không có tác dụng bù nước và nuối. Nếu pha đậm đặc với ít nước sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

- Cần lưu ý là không được chia gói ORS ra làm nhiều phần, làm như vậy sẽ làm sai lệch tỷ lệ các chất có trong gói thuốc ORS và khi uống ORS sẽ không có tác dụng chữa bệnh (bù nước và chất điện giải).

- Cần dùng nước đun sôi để nguội để pha, sau khi khuấy tan hết hoàn toàn thuốc ORS trong nước rồi mới cho trẻ uống.

- Tuyệt đối không được pha thuốc với sữa, nước trái cây, không cho thêm đường hoặc các loại thuốc khác.

- Không pha ORS với nước khoáng, bởi vì trong các loại nước khoáng đã có sẵn các thành phần muối làm sai lệch nồng độ của thuốc sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng khả năng ngộ độc muối.

- Không nên dùng các thực phẩm chức năng bù nước điện giải thay thế ORS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại