Vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca
Ngày 8-5, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có 801.957 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đây là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội.
Liên quan đến trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19 tại An Giang là một nhân viên y tế. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Nói về ca tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19, Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết bất cứ vắc-xin nào, không nói riêng vắc-xin phòng Covid-19 đều có những tỉ lệ phản ứng bất lợi.
Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, những phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ chúng ta trước bệnh Covid-19.
"Chúng tôi hết sức buồn khi có sự cố này, đây là trường hợp vô cùng hiếm nhưng chúng ta không dừng ở đây mà phải có sự rút kinh nghiệm để không có những sự cố đáng tiếc như vậy.
Cụ thể là phải tăng độ sẵn sàng trong công tác phòng chống phản vệ tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Thậm chí nếu cần phải chuẩn bị sẵn Adrenalin để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc.
Công tác tập huấn và giám sát kiểm tra cũng cần tăng cường để đảm bảo việc nhân viên y tế sẵn sàng trong mọi tình huống"- bác sĩ Thái nói.
Theo bác sĩ Thái, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu trong đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Với phương châm "Tiêm đến đâu an toàn đến đó," quy trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.
Bác sĩ Thái cho biết sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng 3 tháng sau tiêm liều 1.
Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.
16% có phản ứng thông thường sau tiêm vắc-xin Covid-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế
Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam, trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết một trong những điểm khác với nhiều nước là Việt Nam tổ chức quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ, rất cẩn thận, được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Vắc-xin Covid-19 cũng như các vắc-xin khác trong quá trình triển khai có thể có phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ:
+ Rất phổ biến: Sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38độ C); như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh.
+ Phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
+ Có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ.
Các cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Khám sàng lọc, tư vấn cho người tiêm trước khi tiêm vắc-xin Covid-19
“Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó.
Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống không mong muốn xảy ra trong tiêm chủng. Chúng ta đã tập huấn cho tất cả các tuyến theo hình thức trực tuyến" - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong số những người được tiêm, đến nay ghi nhận có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24 giờ. Tỉ lên này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam là an toàn..
Vắc-xin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 1-2.
Vắc-xin này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là 1 trong 3 vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15-2.
WHO khuyến cáo các nước tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 của AstraZeneca.
Về số trường hợp sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca có liên quan đến tình trạng đông máu, huyết khối, tuy nhiên theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và WHO, trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca là rất hiếm gặp, trong khi lợi ích của việc tiêm vắc-xin của AstraZeneca mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước dịch Covid-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên.
Cho đến nay, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19.