Theo người vợ chia sẻ, khoảng hơn 2 tháng trước, buổi sáng ông T. ra mở cổng thấy có con chó lạ đi vào, khi con chó của gia đình sủa, con chó lạ giật mình và lao vào cắn vào lòng bàn tay trái của ông. Gia đình và nhân viên y tế thôn đã nhắc và khuyến cáo cần phải đi tiêm phòng dại nhưng ông chủ quan không đi tiêm.
Chiều ngày 16/6, ông T. có biểu hiện tê cánh tay trái. Ngày 17/6, cánh tay trái ông T. tê nhiều hơn kèm buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn và đi khám tại phòng khám đa khoa Côn Sơn.
Ngày 18/6, ông T. cùng vợ đi lên Bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị, được bệnh viện theo dõi mắc bệnh dại. Ngày 19/6, ông T. được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc dại. Sáng ngày 20/6, ông T. tử vong.
ThS.BS Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết: Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền từ chó, mèo bị nhiễm bệnh cắn, cào người gây tổn thương da, niêm mạc hoặc khi động vật liếm vào da, niêm mạc đang bị tổn thương.
Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu với người nhiễm virus dại đã phát bệnh. Khi người nhiễm virus dại đã xuất hiện triệu chứng thì người bệnh đều bị tử vong.
Theo ThS.BS Hoàng Văn Huỳnh, các thông tin lan truyền về việc có cơ sở y học cổ truyền hoặc các bài thuốc nam có thể điều trị được bệnh dại hoặc có thể thử phát hiện có bị nhiễm virus dại hay không đều là các thông tin sai sự thật và lừa bịp. Khi đã bị nhiễm virus dại, chỉ có 1 cách điều trị dự phòng duy nhất là thực hiện các biện pháp xử lý tại vết thương nhằm loại bỏ bớt virus dại và ngay sau đó phải tiêm vaccine phòng dại hoặc kết hợp với tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt…
Tại tỉnh Hải Dương, từ 2016 đến nay, có 6 trường hợp tử vong vì bệnh dại, trong đó TP Chí Linh có tới 4 ca: năm 2017 (1 ca), 2018 (2 ca), 2024 (1 ca); 2 ca còn lại thuộc huyện Bình Giang và Kim Thành.