Sau những xung đột lợi ích kéo dài nhiều năm liền và nỗ lực tìm tiếng nói chung, ông Nguyễn Bá Dương mới đây đã chính thức rút khỏi HĐQT Coteccons với 17 năm gầy dựng cùng các cộng sự.
Có lẽ, rời bỏ thương hiệu do chính tay mình tạo nên và phát triển là quyết định không dễ dàng, trong tâm thư gửi cán bộ nhân viên Coteccons ông Dương có nhấn mạnh: "Tôi cũng như các bạn, cũng có cảm giác chần chừ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, đôi lúc không dám chấp nhận rủi ro…
Nhưng nếu không đương đầu với thách thức thì không thể lớn lên được, mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn".
Ở động thái bất ngờ khác, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), ông Nguyễn Quốc Hiệp tiếp nối gửi tâm thư chào tạm biệt và cũng là đơn từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT Coteccons.
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, ông Hiệp cho rằng hành động của Kusto sau khi nắm quyền kiểm soát đã cố ý vô hiệu hoá vị thế của ông Dương, và đẩy ông Dương ra khỏi Công ty dù bản thân nguyên Chủ tịch đã có những sự nhượng bộ đáng kể.
Ông Hiệp cũng bày tỏ quan ngại về quyết định tăng vốn của các thương hiệu Việt Nam khác, đồng thời gửi gắm nhân sự còn lại tại Công ty cân nhắc việc ở lại.
Sự việc trên khiến dư luận đặt câu hỏi cho tương lai của Coteccons, nhiều ý kiến thiên về hướng tiêu cực: Khi chế độ đãi ngộ cùng sự gắn bó có thể khiến nhiều nhân sự theo chân cựu lãnh đạo rời bỏ Coteccons, không chỉ cán bộ nhân viên mà cả đối tác với mối quan hệ lâu dài cùng tên tuổi ông Dương.
Dù vậy, phía Kusto gần đây cũng cho thấy những động thái mới trong việc tiếp nhận Coteccons, ông Bolat Duisenov – tân Chủ tịch HĐQT – mời ông Lý Xuân Hải uỷ quyền đại diện và tuyển dụng nhân tố mới cho ban điều hành.
Ban lãnh đạo mới cũng thông tin thời gian qua đã đi xuống từng công trình để lắng nghe và giải quyết những vướng mắc tồn đọng, khẳng định hoàn toàn không có cơ sở quan ngại về tiến độ và hiệu quả công việc.
Tương lai Coteccons theo đó cần thêm thời gian để nhìn nhận. Điều chắc chắn hiện tại, Coteccons vẫn đang sở hữu lợi thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam, cùng tạo thế chân vạc doanh thu – lợi nhuận với Xây dựng Hoà Bình (HBC) và tân binh mới nổi Ricons.
Ngành xây dựng phân hoá, lợi nhuận Ricons bình quân tăng 27%/năm lên đứng Top 3
Nói về xây dựng, đây là ngành lâu đời nhất và có quy mô lớn nhất trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành xây dựng gắn liền với sự phát triển chung của nền kinh tế, đồng thời đang được toàn cầu hoá nhằm tăng cường cơ hội cũng như giảm thiểu rủi ro.
Theo giới chuyên gia, thị trường xây dựng Việt Nam đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng, chuẩn bị bước vào thời kỳ tái cấu trúc với mức tăng dự đoán giảm nhẹ về 6,8%/năm đến năm 2028 (con số 10 năm trước là 7,1%).
So với thế giới, mức tăng tại Việt Nam bỏ xa các thị trường bão hoà khác, đơn cử ở nước phát triển thị trường hiện chỉ tăng 1,7%/năm, con số trung bình ngành toàn cầu vào khoảng 3,4%/năm.
Đi sâu vào ngành, hiện nay xây dựng nhà ở nước ta bắt đầu giảm tốc do các biện pháp ổn định thị trường bất động sản của Chính phủ, cùng với đó xây dựng cơ sở hạ tầng bị hạn chế bởi nguồn vốn đầu tư công.
Ngược lại, xây dựng nhà không để ở khá khả quan với tốc độ tăng 9,8%/năm trong 2019-2020, chủ yếu do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dẫn tới làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ.
Sự chững lại và phân hoá của ngành thể hiện rõ trên chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Ghi nhận, doanh thu lợi nhuận 2019 của top 3 là CTD, HBC và Ricons sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Ngược lại, những tên tuổi mới như An Phong, Newtecons, Ecoba, Obayashi… lại tăng trưởng mạnh mẽ, dù con số tuyệt đối vẫn còn khá khiêm tốn.
Trong đó, là đơn vị dẫn đầu ngành với năng lực thi công được công nhận qua các siêu dự án Tổ hợp Nhà máy VinFast (thi công chỉ trong 7 tháng), khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hoà Phát, khu Casino Nam Hội An, Landmark 81…
Coteccons những năm gần đây đang cho thấy sự giảm tốc lớn, thậm chí tỷ lệ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2016-2019 chỉ đạt 6%/năm: xếp sau các đơn vị mới nổi như Ecoba đạt 36%, An Phong 25%, đặc biệt Ricons là 24%...
Thậm chí, chỉ tiêu lợi nhuận Coteccons giảm mạnh 15%, từ mức 2.000 tỷ (2016-2017) về còn 891 tỷ đồng (năm 2019). Tương tự, Xây dựng Hoà Bình (HBC) - ông lớn thứ 2 ngành cũng ghi nhận lợi nhuận 4 năm giảm 3%/năm.
Cần nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp một câu chuyện kinh doanh khác nhau, HBC những năm qua chịu áp lực lớn từ nợ vay khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng đáng kể dù doanh thu tăng trưởng.
Với Coteccons, trong khi Tập đoàn sụt giảm thì các đơn vị trong cùng hệ thống lại tăng trưởng mạnh, Ricons tăng lợi nhuận mỗi năm 27%, con số bình quân tại Newtecons thậm chí đạt đến 42%/năm. Đây cũng là tâm điểm dẫn đến xung đột lợi ích với nhóm Kusto.
Riêng Ricons, chỉ sau vài năm hoàng kim với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, Công ty hiện đã đứng thứ 3 toàn ngành với mức lợi nhuận 2019 đạt 444 tỷ đồng, suýt soát HBC. Mới đây, Ricons tuyên bố hoàn toàn độc lập với Coteccons, phát triển thành Tập đoàn với hệ sinh thái riêng.
Đại hội Ricons cũng thống nhất phương án niêm yết HoSE chậm nhất vào quý 2/2020, đồng thời từ chối việc đưa đại diện từ Coteccons vào HĐQT thay thế ông Nguyễn Bá Dương.