Trước khi mất, ông nội tôi đã làm di chúc chia tài sản cho 2 con trai. Mấy năm sau bà nội tôi lại làm di chúc mới là phần của ông chia làm 2 phần còn phần của bà chia đều cho cả 5 người con. Xin hỏi trong trường hợp này thì di chúc nào có hiệu lực?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 thì “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung” và Điều 664 BLDS cũng quy định: “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.
Do đó trong trường hợp bạn nêu cần phân biệt:
- Nếu ông và bà bạn cùng lập chung một di chúc thì bà bạn chỉ có thể sửa phần di chúc liên quan đến phần tài sản của bà. Nếu bà lập di chúc mới, tự ý sửa lại phần di chúc liên quan đến phần tài sản của ông thì di chúc này không hợp lệ;
- Nếu bà nội bạn không đứng tên trong di chúc của ông và ông bạn chỉ định đoạt phần tài sản của ông trong khối tài sản chung của ông, bà trong di chúc (về nguyên tắc là mối người 50%) thì di chúc này có hiệu lực, mọi sửa đổi của bà bạn sau này đối với di chúc của ông đều không có giá trị;
- Nếu di chúc bà bạn lập sau có nội dung khẳng định lại phần nội dung di chúc của ông (trong việc chia phần tài sản của ông cho 2 người con) và chia phần tài sản của bà cho 5 người con thì di chúc sau này cũng có giá trị.
Ngoài các yếu tố nêu trên, để được công nhân là hợp pháp, di chúc còn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 652 BLDS như người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật...