Sai phạm kinh tế, giám đốc tội nặng nhất hay nhẹ nhất?

Độc giả Võ Ngọc D. |

(Soha.vn) - Mức độ sai phạm của GĐ theo NH là nặng nhất còn cơ quan điều tra thì cho rằng GĐ sai phạm nhẹ nhất phải không?

Tôi xin trình bày với quý báo sự việc của con tôi để nhờ tư vấn giúp đỡ.

Nguyên con tôi là cán bộ tín dụng một NHCP 100% vốn tư nhân bị khởi tố theo điều 179 khoản 3 vì cho một công ty vay số tiền lớn ( công ty có thương hiệu trong nước và quốc tế) nhưng chủ đã bỏ trốn. Sau khi xảy ra vụ việc, NH đã kỷ luật nội bộ về sai phạm của nhân viên như sau: cách chức, chuyển đi nơi khác làm Phó GĐ đối với GĐ chi nhánh; hạ bậc lương Phó GĐ nhưng không cách chức; cách chức Trưởng phòng doanh nghiệp xuống làm phó phòng một phòng khác cùng chi nhánh (trường hợp con tôi). Sau 6 tháng, phục hồi chức vụ cho Trưởng phòng doanh nghiệp; GĐ vẫn làm việc ở nơi khác với vị trí PGĐ. Đến khi khởi tố bị can thì PGĐ và Trưởng phòng bị bắt giam còn GĐ được tại ngoại. Xin cho hỏi:

1) Mức độ sai phạm của GĐ theo NH là nặng nhất còn cơ quan điều tra thì cho rằng GĐ sai phạm nhẹ nhất phải không? Nhận định về sai phạm của CB,nhân viên NH giữa NH và cơ quan điều tra không thống nhất, có thể dự đoán nguyên nhân? Chuyện xảy ra như vậy có “bình thường” không?

2) Việc này có thể khiếu nại để ông GĐ trở lại đúng vị trí phạm tội của ông được không? Khiếu nại lúc nào? Cơ quan nào sẽ giải quyết?

Ths. Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng văn phòng luật sư Danh Chính trả lời:

Căn cứ các thông tin mà ông cung cấp, các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến pháp lý để ông tham khảo.

Theo thông tin ông cung cấp thì vụ án hiện nay đã được khởi tố và các đối tượng liên quan đã bị khởi tố bị can để xem xét trách nhiệm về mặt hình sự. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử.

Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần đảm bảo thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm”.

Cụ thể trong vụ án này, nguyên Phó giám đốc và Trưởng phòng tín dụng đã bị áp dụng biện pháp bắt, tạm giam còn nguyên Giám đốc chi nhánh được tại ngoại để điều tra. Do đó, ông cho rằng việc cơ quan điều tra bắt tạm giam đối với nguyên Phó giám đốc, và trưởng phòng tín dụng, trong khi đó lại cho nguyên giám đốc được tại ngoại là vì cơ quan điều tra cho rằng Hành vi phạm tội của nguyên giám đốc là nhẹ hơn nguyên phó giám đốc và trưởng phòng tín dụng.

Nhận định của ông chưa hoàn toàn đúng về mặt pháp luật. Bởi vì, mức độ phạm tội, vai trò của từng bị can, bị cáo trong vụ án phải căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra sau khi kết thúc quá trình điều tra, quyết định truy tố của Viện kiểm sát cũng như việc xét xử của Tòa án, chứ không thể căn cứ vào việc áp dụng biện pháp ngăn chặn để đưa ra kết luận. Trên thực tế, có những trường hợp một bị can trong vụ án được tại ngoại, trong khi những bị can khác bị tạm giam là vì những lý do đặc biệt về hoàn cảnh, sức khỏe, nhân thân... và được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp thuận. Đây cũng là “chuyện bình thường” trong hoạt động tố tụng hình sự.

Trong trường hợp ông có căn cứ cho rằng việc không áp dụng biện pháp tạm giam đối với nguyên giám đốc là không đúng quy định của pháp luật, không công bằng so với các bị can khác trong cùng vụ án thì ông có quyền làm đơn gửi tới cơ quan đang thụ lý vụ án để đề nghị xem xét.

Ví dụ: Vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì ông có thể gửi đơn tới Cơ quan điều tra. Đồng thời, ông có thể gửi đến cả Viện kiểm sát cùng cấp để đề nghị Viện kiểm sát căn cứ quyền kiểm sát điều tra, xem xét, can thiệp để đảm bảo vụ án được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Chu Mạnh Cường

Luật sư Chu Mạnh Cường -Trưởng văn phòng LS Danh Chính từng tham gia nhiều vụ án lớn, tạo nên uy tín như vụ Tiên Lãng, vụ Phương Ninh hột...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại