Câu hỏi độc giả:
Cách đây 5 tháng, tôi có quen 1 người đàn ông khoảng 40 tuổi, ở Indonesia. Mặc dù chưa từng gặp nhưng ông ta rất muốn tôi để ý và quan tâm tới ông ta nên làm mọi cách để lấy lòng tôi.
Ông ta có đề nghị tôi đưa số tài khoản ngân hàng để ông chuyển tiền là 1000USD cho tôi. Lúc đầu tôi rất lo lắng vì chưa bao giờ có ai cho mình nhiều tiền như thế nên không nhận nhưng người đàn ông kia trấn an là ông ấy chuyển tiền để giúp đỡ cuộc sống của tôi thôi. Ông ta đã chuyển tiền qua ngân hàng cách đây 4 tháng, bằng chứng duy nhất là giấy chuyển tiền từ ngân hàng của ông ta.
Qua một thời gian tìm hiểu, nói chuyện, do bất đồng tính cách và ngôn ngữ nên chúng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn, ông ta trở mặt, thẳng thừng đòi lại số tiền đó và dọa sẽ kiện tôi và làm cho tôi mất việc.
Xin cho tôi hỏi, việc làm của tôi liệu có phạm tội hay không? Tôi không rõ liệu mình có bị người đó vu cho tội lạm dụng sự tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản hay không? Số tiền đó tôi mới lo cho cuộc sống 1 phần, tôi có nên trả phần còn lại cho ông ta không? Tôi lo sợ khả năng ông ta dùng tiền mua chuộc công an để ép tội cho tôi. Tôi có quyền đề nghị phải có luật sư thì mới tiến hành khai báo hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật Interla trả lời:
Thứ nhất, việc làm của bạn không cấu thành hành vi phạm tội.
Việc người đàn ông ngoại quốc này chỉ quen mà chưa từng gặp bạn nhưng ông ta rất muốn quan tâm đến bạn bằng việc đề nghị bạn đưa số tài khoản ngân hàng để ông ta chuyển số tiền 1000 USD cho bạn thì người đàn ông này đã tự nguyện chuyển số tiền 1000 USD vào tài khoản của bạn mà không yêu cầu điều kiện gì kèm theo và bạn đồng ý nhận số tiền đó. Như vậy, giữa bạn và người đàn ông này đã giao kết và hoàn thành việc thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định tại Điều 465 Bộ luật dân sự.
Đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản này là tiền nên theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự, hợp đồng tặng cho tài sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản.
Như vậy, kể từ thời điểm khoản tiền nói trên được chuyển vào tài khoản của bạn, hợp đồng tặng cho tài sản giữa bạn và người đàn ông ngoại quốc có hiệu lực, từ đó phát sinh quyền sở hữu của bạn đối với số tiền 1000 USD. Do phía người tặng tiền cho bạn không yêu cầu bạn phải đền bù hoặc có điều kiện nào khác kèm theo nên trong trường hợp cụ thể này, bạn không có nghĩa vụ trả lại khoản tiền đã nhận cho bên tặng cho.
Thứ hai, hành vi của bạn có cấu thành phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?
Theo Khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự quy định
“Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Hợp đồng tặng cho có hiệu lực đã làm phát sinh quyền sở hữu của bạn đối với số tiền 1000 USD. Trong trường hợp của bạn, bạn không kể rõ quá trình giao dịch của bạn và người đàn ông ngoại quốc nên nếu bạn không thực hiện những hành vi phạm tội tại điều luật trên thì trong giao dịch giữa bạn và người đàn ông ngoại quốc không có dấu hiệu cấu thành tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Thứ ba, như đã phân tích ở trên, kể từ thời điểm khoản tiền nói trên được chuyển vào tài khoản của bạn, hợp đồng tặng cho tài sản giữa bạn và người đàn ông ngoại quốc có hiệu lực, từ đó phát sinh quyền sở hữu của bạn đối với số tiền 1000 USD. Do phía người tặng tiền cho bạn không yêu cầu bạn phải đền bù hoặc có điều kiện nào khác kèm theo nên trong trường hợp cụ thể này, bạn không có nghĩa vụ trả lại khoản tiền đã nhận cho người đàn ông đó.
Thứ tư, nếu người đàn ông kia tố cáo bạn trước cơ quan có thẩm quyền, bạn cần hợp tác để làm rõ sự việc. Trong trường hợp này, bạn có quyền mời luật sư để tư vấn pháp luật cho bạn trong quá trình giải quyết tố cáo. Nếu cơ quan điều tra chứng minh được bạn có một trong các hành vi đã viện dẫn ở trên và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bạn, bạn có quyền mời luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự.
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Luật sư Hòe luôn có những phân tích sắc sảo với mỗi vụ án. Ông từng tham gia bào chữa và giúp đỡ bào chữa miễn phí cho nhiều người dân. Vị luật sư này từng tham gia bào chữa cho nhiều tội phạm tuổi vị thành niên.