Câu hỏi:
Tôi có một số vướng mắc trong chuyện cho mượn tiền vì vậy muốn nhờ anh chị giải đáp giúp.
Vào 12/2012 tại TP.Đà Nẵng tôi có cho em họ (con cô ruột) mượn tiền bằng cách cầm xe máy Exciter 2012 do tôi đứng tên sở hữu với số tiền là 18 triệu đồng, để em ấy lấy xe Novo LX 2011 trong hiệu cầm đồ (cùng một hiệu cầm đồ).
Hai anh em thỏa thuận như sau: tiền lãi cầm đồ xe tôi em ấy sẽ trả là 5% (tương đương 900 ngàn đồng), còn xe em ấy tôi sẽ đi. Tuy nhiên đó là cuối năm âm lịch nên tôi đã để lại xe cho em ấy về quê ăn Tết.
Sau thời gian kết thúc Tết thì em ấy vào Sài Gòn, mang theo chiếc xe và cắt đứt liệc lạc với tôi. Sau nhiều lần gọi hỏi thì cậu ấy ầm ừ, nói sẽ trả nhưng sau đó không nghe máy. Tôi đã nhiều lần liên hệ với mẹ của em ấy (em của ba tôi) thì cô nói là em ấy mượn thì em ấy trả.
Từ lúc đó đến tháng 11/2013 thì tôi lấy được xe ra và vẫn chưa nhận được tiền mà em ấy đã mượn và từ chối liên lạc từ tôi.
Tôi có một số bằng chứng về chuyện này như ông chủ cầm đồ, bạn bè, và tin nhắn qua lại. Cũng như trong cuộc nói chuyện với em ấy qua điện thoại (tôi được biết mọi cuộc điện thoại đều được nhà mạng ghi âm lại).
Tính cả số tiền đã mượn và tiền lãi gần 1 năm là 28 triệu đồng, như vậy tôi đủ bằng chứng khởi kiện chưa? Thủ tục và chi phí khi khởi kiện thế nào.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
1. Theo thông tin bạn nêu thì việc cho vay mượn tiền giữa bạn với bạn với em họ bạn là quan hệ dân sự (hợp đồng vay tài sản). Do vậy, nếu đến hạn trả nợ mà em bạn không trả tiền đúng hạn thì bạn có thể khởi kiện tới tòa án nơi em bạn cư trú (đang trực tiếp sinh sống) để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
2. Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 164(*) Bộ luật tố tụng dân sự; CMND và hộ khẩu của bạn; Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người vay tiền; Giấy tờ, tài liệu chứng minh có việc vay mượn tiền… và các chứng cứ khác (nếu có).
3. Theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án thì bạn có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí khi khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự như vậy, mức tiền tạm ứng án phí trong trường hợp này là 2,5% giá trị số tiền mà bạn đòi nợ. Nếu tòa án chấp nhận yêu cầu của bạn thì người thua kiện phải trả tiền cho bạn và phải chịu án phí tương đương với 5% giá trị số tiền mà họ phải trả ban.
4. Thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong vụ án dân sự theo quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự là không quá 4 tháng, nếu vụ việc phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 2 tháng. Tuy nhiên, thực tiễn các vụ án tranh chấp dân sự thường kéo dài cả năm… do nhiều lý do khác nhau.
5. Nếu bạn không thể liên lạc được với người vay tiền, không biết địa chỉ của người đó ở đâu thì bạn không thể khởi kiện vụ án dân sự được mà chỉ còn cách là gửi đơn trình báo tới công an, nơi bạn đã giao tiền cho người đó để được giải quyết. Nếu trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin theo quy định mà công an có căn cứ xác định người vay tiền của bạn bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì người đó sẽ bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự. Đồng thời, người đó vẫn phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền đã chiếm đoạt của bạn. Nếu trong quá trình giải quyết vụ án mà đối tượng này hoàn trả lại cho bạn số tiền trên thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu đối tượng đó không trả tiền bạn thì bị tăng mức hình phạt và sẽ không được xóa án tích…
6. Khi bạn có đơn trình báo thì công an sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin theo đơn của bạn. Thời hạn để công an kiểm tra, xác minh nguồn tin và trả lời bạn theo quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự là 20 ngày, nếu phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Nếu bạn trình báo sự việc với công an mà sau đó công an không có đủ căn cứ xử lý hình sự đối với người vay tiền thì sẽ có văn bản trả lời bạn. Khi đó bạn có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi nợ.
Nếu còn nội dung nào chưa rõ, bạn có thể nêu tiếp câu hỏi để được luật sư trả lời.
Luật sư Đặng Văn Cường thường xuyên tham gia tố tụng, bào chữa tại Tòa án Việt Nam trong các vụ án: Dân sự, Hình sự, Lao động, Hành Chính, Kinh doanh thương mại.
Ngoài ra Luật sư Cường còn tham gia tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và cung cấp dịch vụ pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật...