Chính vì thế, 28 năm sau ngày ly hôn, người vợ tiếp tục nộp đơn tới tòa đòi chia lại tài sản.
Hai con người đối lập ở hai góc phòng
Vụ việc hy hữu này xảy ra tại quận Ninh Kiều –TP. Cần Thơ vào tháng 8/2013. Thẩm phán Phạm Minh Hải là người trực tiếp thụ lý hồ sơ vẫn còn nhớ như in những tình tiết liên quan đến hai con người đã từng là vợ chồng của nhau nhưng do những mâu thuẫn trong cuộc sống mà giờ đây không còn giữ được mối quan hệ, thậm chí, họ coi nhau như người dưng nước lã, đặt tiền bạc lên trên tất cả.
Thẩm phán Hải chia sẻ: “Đúng là bước vào phòng xét xử, tính pháp lý được đặt lên hàng đầu nhưng đằng sau mỗi vụ việc còn là một câu chuyện dài liên quan đến tình cảm con người hay những số phận trong xã hội.
Có những việc cười ra nước mắt, thương cả bị cáo, cả bị hại lắm nhưng cũng không vì thế mà xử lý duy tình được.
Mới năm ngoái thôi, chính tôi đã phải giải quyết một lá đơn khiếu nại mà nguyên đơn đã từng làm vợ của bị đơn trong thời gian dài. Thế mà khi ra tới tòa, giữa họ chỉ còn lại tiền bạc, vật chất và đôi mắt sắc lạnh dành cho nhau”.
Đó là vụ khiếu nại của bà Hoàng Thị Thanh, 58 tuổi, đã làm đơn yêu cầu tòa án chia lại tài sản với người chồng cũ là ông Trần Văn Vân, 63 tuổi. “Bà Thanh và ông Vân lấy nhau từ những năm 70 của thế kỷ XX.
Nhưng đến năm 1985, cả hai người đều đồng ý ly hôn. Lúc đó, TAND Cần Thơ là đơn vị trực tiếp đứng ra giải quyết đơn ly hôn của hai người, đồng thời phân chia tài sản chung của hai người là mảnh đất rộng 160m2 nằm ở phường An Khánh bây giờ.
Bà Thanh được 30m2, còn ông Vân được 130m2. Đến năm 2005, cả hai người đều được chính quyền cấp sổ đỏ mà không có bất kỳ khiếu nại gì.
Nhưng không ngờ đến năm 2010, bà Thanh bất ngờ làm đơn gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu đòi phải phân chia lại tài sản của hai người” – thẩm phán Hải kể.
Thẩm phán Hải nhớ lại: “Tôi nhớ rất rõ cái ngày bà Thanh bước vào phòng gặp tôi trình đơn. Bà Thanh mặt nhăn nhó bảo rằng, quãng thời gian chung sống với ông Vân 10 năm, bà đã phải hy sinh rất nhiều.
Ngoài vấn đề sức khỏe thì còn có tuổi thanh xuân của bà cũng bị lãng phí vì đã chọn nhầm người chồng. Chính vì thế, số diện tích 30m2 đất chẳng thấm tháp vào đâu so với công sức mà bà đã hy sinh, nên nay muốn đòi lại sự công bằng cho mình”.
Trong khi đó, ông Vân cũng được TAND Q. Ninh Kiều mời đến để tiến hành làm thủ tục giải quyết vụ việc. Ông Vân nói với thẩm phán rằng: “Số tài sản đó là của gia đình tôi để lại.
Trước lúc mất, bố mẹ có làm di chúc cho tôi để làm chỗ đi về. Ngày lấy bà Thanh, hai vợ chồng chung sống hạnh phúc, cả hai cùng chăm lo vun vén cho gia đình của mình.
Sau bao năm tích góp, hai vợ chồng cũng cải tạo được một số cơ sở vật chất để cho khu đất thêm khang trang hơn. Nhưng nào ai ngờ, thời gian thấm thoát trôi đi, tình cảm vợ chồng sứt mẻ khiến cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Năm 1985, tòa đã đứng ra phân chia tài sản cho cả hai người. Đó là phần đất của tôi nên tôi được phần nhiều, bà Thanh cũng có công cải tạo nên cũng có được chia phần. Tuy ít hơn tôi nhưng giữa hai người không có bất kì khiếu nại gì.
Giờ không hiểu tại sao bà ấy lại dở chứng đòi chia lại tài sản. Tôi kiên quyết không chấp thuận chuyện đó, nếu bà ấy có khó khăn quá thì tôi nguyện sẽ hỗ trợ thêm cho bà ấy 30 triệu. Nhưng với điều kiện bà ấy phải rút đơn kiện khiếu nại ở tòa về”.
Một ngày cuối tháng 7/2014, cả bà Thanh và ông Vân được TAND Q.Ninh Kiều triệu tập lên để xác xử lý vụ việc. Hai con người từng là vợ chồng với nhau nay gặp nhau trong ánh mắt vô cảm.
Thay cho lời chào hỏi, quan tâm... là sự lạnh lùng, im lặng đến từ cả hai phía. Thẩm phán Hải kể: “Hai người gặp nhau mà như hai kẻ xa lạ. Trong khi bà Thanh một mực đòi phải chia lại tài sản thì ông Vân lại kiên quyết không chịu vì trước đó đã chia rồi.
Hai người ngồi ở hai góc phòng độc lập, cứ đôi co, có những lúc căng thẳng, nếu không có tôi ở giữa phân xử thì có lẽ họ đã buông ra những lời tục tĩu dành cho nhau.
Chứng kiến cảnh đó mà tôi không khỏi chạnh lòng. Khi tình cảm không còn giữ được thì tiền bạc, vật chất có nghĩa lý gì mà khiến cho họ phải hành xử như thế? Nhưng đó chỉ là ý nghĩ của riêng cá nhân tôi.
Việc nào vẫn phải ra việc đó, vì trước đó, vào năm 1985, TAND Cần Thơ (cũ) đã tiến hành phân chia tài sản, cả hai người đều không có khiếu nại gì.
Giấy tờ cho số tài sản phân chia đó cũng được làm xong nên giờ chúng tôi đành phải bác yêu cầu của bà Thanh, đình chỉ vụ việc và ghi nhận ý kiến ông Vân hỗ trợ cho bà Thanh 30 triệu đồng với yêu cầu bà Thanh phải rút đơn”.
“Cố đấm” mà chẳng được... “ăn xôi"
Không đồng ý với cách giải quyết của TAND Q.Ninh Kiều, bà Thanh cho rằng số tiền 30 triệu đồng vẫn chưa xứng đáng với công sức bà bỏ ra trong những năm tuổi xuân sắc nên người phụ nữ tiếp tục làm đơn kháng cáo đòi bằng được cơ quan chức năng phải xem xét lại số tài sản chung của hai người từ 28 năm trước đó.
Giống như bao vụ việc khác, khi cấp sơ thẩm xử lần đầu tiên mà đôi bên nguyên đơn hoặc bị đơn không chấp thuận, làm đơn kháng cáo thì vụ việc được tiến hành xử phúc thẩm.
Đơn yêu cầu chia lại tài sản của hai vợ chồng từ năm 1985 của bà Thanh được chuyển lên TAND TP.Cần Thơ giải quyết.
Ngày 28/11, TAND TP.Cần Thơ đã mở phiên tòa phúc thẩm xử lý vụ việc. Hội đồng xét xử thấy yêu cầu của bà Thanh không có căn cứ vì sự việc đã xảy ra cách đây một thời gian dài.
Quan trọng nhất là đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ trước đó mà đôi bên không có bất kì khiếu nại gì.
Nay bà Thanh bất ngờ khiếu nại là sự việc bộc phát, không có cơ sở pháp luật nên Hội đồng xét xử tuyên bác đơn khiếu nại của bà Thanh, đồng thời chấp thuận với cách giải quyết trong phiên xử sơ thẩm tại TAND Q. Ninh Kiều trước đó.
Tuy nhiên, lúc này ông Vân lại không chấp nhận hỗ trợ cho bà Thanh 30 triệu đồng như lúc trước đã nói ở TAND quận Ninh Kiều vì cho rằng bà Thanh đã “cố đấm ăn xôi”, không nghe lời ông rút đơn mà vẫn cố tình khiếu nại đòi chia tài sản.
Vụ việc khép lại mà cả ông Vân – bà Thanh đều mệt mỏi, tốn thời gian và mất cả tiền án phí.
Nhận định về vụ việc, luật sư Trần Công Minh, thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội, nói: “Trong các vụ việc dân sự, chỉ được giải quyết qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Chính vì vậy, bản án mà TAND TP Cần Thơ tuyên đối với vụ việc của bà Thanh – ông Vân đã chính thức khép lại câu chuyện bi hài xảy ra trong cuộc sống gia đình.
Tôi cho rằng, quyết định của tòa án trong trường hợp này đã hợp cả về lý và về tình, đây không phải là vụ việc quá khó, đòi hỏi phải có hiểu biết pháp lý cao mà lại thường gặp trong cuộc sống.
Điều đặc biệt trong vụ việc này chỉ ở chỗ hai vợ chồng đã chia tay nhau 28 năm trời, ai đi đường nấy mà vẫn quay lại đòi chia tài sản chung. Cuối cùng chẳng được gì nhưng trở thành trò cười cho thiên hạ mới là điều đáng cười chê”.