Lấy đồ để siết nợ có bị tội cướp tài sản?

Lê Nguyễn |

(Soha.vn) - Số tài sản cháu lấy của nhà bà A để trừ nợ giá trị còn chưa bằng số tiền nợ thì tài sao lại có thể gọi là cướp tài sản?

Con trai gái tôi có nhận hàng may gia công cho một người chủ là bà A. Sau một thời gian làm việc, bà A có nợ con gái tôi một số tiền công khoảng trên 20 triệu đồng. Do đã rất nhiều lần đòi nhưng bà A không trả và còn có nhiều lời lẽ ngang ngược, con gái tôi đã rủ hai người bạn đến nhà bà A để đòi nợ.

Tại nhà bà A, do quá bức xúc, hai bên đã có xô xát, con gái tôi có dùng tay tát bà A mấy cái, sau đó cùng hai người bạn mang một số đồ dùng gia đình của nhà bà kia về để trừ nợ. Bà A đã gửi đơn tố cáo ra cơ quan công an.

Hiện nay, Cơ quan công an đã khởi tố và bắt giam con gái tôi cùng hai người bạn cùng đi về tội cướp tài sản. Tôi xin hỏi luật sư tại sao bà A nợ con gái tôi tiền không chịu trả, con gái tôi chỉ đến để đòi nợ, và số tài sản cháu lấy của nhà bà A để trừ nợ giá trị còn chưa bằng số tiền nợ thì tài sao lại có thể gọi là cướp tài sản?

Ths. Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính trả lời.

Căn cứ các thông tin bạn cung cấp, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến pháp lý để bạn tham khảo.

Bộ luật Hình sự có quy định:

Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, đối chiếu hành vi của con gái ông, chúng tôi nhận thấy, trong trường hợp này, con gái ông đã có hành vi đưa hai người bạn đến nhà bà A, dùng vũ lực – tát nạn nhân, sau đó lấy đi tài sản của nạn nhân. Về mặt pháp luật, thì hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản. Trên thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hiện nay, các vụ án tương tự như trường hợp của con gái ông xảy ra rất nhiều, và thường bị xử lý về tội cướp tài sản.

Về nguyên tắc, việc bà A nợ tiền con gái ông là quan hệ dân sự, con gái ông có quyền khởi kiện hoặc dùng các biện pháp dân sự khác để đòi tiền bà A. Nhưng con gái ông đã đưa người đến nhà bà A, có hành vi dùng vũ lực, đánh bà A, lấy tài sản của bà A, hành vi này pháp luật không cho phép.

Luật sư Chu Mạnh Cường

Luật sư Chu Mạnh Cường -Trưởng văn phòng LS Danh Chính từng tham gia nhiều vụ án lớn, tạo nên uy tín như vụ Tiên Lãng, vụ Phương Ninh hột...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại