Tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam, nhưng chồng là người Đức nên 2 con tôi (3 và 5 tuổi) sau khi sinh mang quốc tịch Đức. Nếu tôi muốn con tôi chuyển sang quốc tịch Việt Nam thì có cần bỏ quốc tịch Đức không, và cần những thủ tục, điều kiện gì?
Trả lời:
Theo Luật Quốc tịch và các văn bản liên quan, người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam thì không còn giữ quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp được Chủ tịch nước cho phép. Điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam như sau:
(a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
(b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
(c) Biết tiếng Việt.
(d) Đã thường trú ở Việt Nam trên 5 năm.
(e) Có khả năng đảm bảo cuộc sống.
Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam được lập theo mẫu, gửi lên cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, hoặc sở tư pháp tỉnh, thành phố tại Việt Nam nơi người đó đang cư trú. Kèm theo đơn, phải có những giấy tờ sau:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ có giá trị tương tự.
- Bản sao lý lịch theo mẫu.
- Phiếu xác định lý lịch tư pháp.
- Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt.
- Giấy xác nhận thời gian thường trú tại Việt Nam.
- Giấy xác nhận chỗ ở, việc làm, thu nhập.
- Bản cam kết từ bỏ quốc tịch nước ngoài.
Người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam được miễn các điều kiện (c), (e) và được giảm 2 năm về thời gian thường trú tại Việt Nam, nếu là có vợ, chồng, con, cha, mẹ là công dân Việt Nam; hoặc là người có công với Nhà nước Việt Nam. Nếu việc nhập quốc tịch Việt Nam là có lợi cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì người được nhập quốc tịch sẽ được miễn các điều kiện (c), (d), và (e).
Để biết cụ thể, bạn có thể hỏi thêm ở cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại CHLB Đức.