Em và bạn trai có 1 con chung sinh năm 2013, do không đăng ký kết hôn nên khi đi làm khai sinh UBND thị trấn nơi em ở yêu cầu cả hai chúng em lên để làm khai sinh cho cháu được mang họ bố.
Nhưng do có một số vấn đề nên hôm 15/7 vừa rồi ở địa phương nơi anh ấy sinh sống (UBND phường) nói rằng khai sinh của con em là làm sai quy định vì chúng em không đăng ký kết hôn.Vậy UBND nơi em làm khai sinh cho cháu làm như vậy là đúng hay sai ạ?
Và giờ em muốn yêu cầu bố cháu bé có trách nhiệm cấp dưỡng đối với con thì làm thủ tục như thế nào và gửi tòa án huyện hay thành phố? (em sống ở huyện còn anh ở thành phố)
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Về đăng ký khai sinh cho con.
Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP) quy định: “1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Như vậy, trong trường hợp đăng ký cho con mà cha, mẹ chưa đăng ký kết hôn thì người cha làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật. Tờ khai đăng ký nhận con theo mẫu TP/HT-2012-TKCMC.1 (Ban hành kèm theo Thông tư số 09b/2013/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch và Thông tư số 05/2012/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP)
Thứ hai về vấn đề cấp dưỡng:
Do trường hợp của bạn không đăng ký kết hôn, nên pháp luật không công nhận là vợ chồng, tuy nhiên không có đăng ký kết hôn thì vẫn không ảnh hưởng đến quan hệ cha con. Tại khoản 5 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.
Tại điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định: "Trẻ em không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật".
Do vậy, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu cha đứa trẻ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân gia đình. Bạn và bố của đứa bé có quyền tự thỏa thuận về phương thức, mức cấp dưỡng, Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án hoặc đề nghị viện kiểm sát yêu cầu tòa buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này, theo quy định tại các điều 35 Bộ luật Tố dụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Tòa án nhân dân cấp huyện (quận) nơi thường trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết.