Đánh nhau giữa 2 nhóm, vì sao người bị bắt, người chỉ nộp tiền?

Lê Nguyễn |

(Soha.vn) - Tại sao cùng tham gia đánh nhau mà bạn trai tôi lại bị giam giữ còn những người khác lại được thả về ngay và chỉ phải nộp phạt tiền?

Câu hỏi:

Tôi và bạn trai đều đang là sinh viên đại học. Vừa rồi, chúng tôi có đến dự sinh nhật một người bạn của tôi được tổ chức tại một quán cafe. Trong lúc sinh nhật, do xích mích với một số thanh niên ngồi bàn bên cạnh nên đã xảy ra xô xát, đánh nhau giữa hai nhóm.

Công an phường có đến và đưa tất cả về đồn giải quyết. Sau khi bị giữ ở công an phường có mấy tiếng đồng hồ, các đối tượng liên quan khác đã được thả về ngay và chỉ phải nộp phạt vi phạm hành chính, riêng bạn trai tôi thì bị chuyển lên công an quận.

Tôi có hỏi các chú công an thì được giải thích là vì trong lúc đánh nhau, bạn trai tôi dùng ghế đập vào đầu người khác gây thương tích. Hiện nay, người bị đánh đang phải điều trị trong bệnh viện và họ có đơn yêu cầu xử lý nên phải tạm giữ hình sự để điều tra, xác minh, còn những người khác thì chỉ bị tạm giữ hành chính thôi.

Xin luật sư cho biết họ giải thích như vậy có đúng không? Tại sao cùng tham gia đánh nhau mà bạn trai tôi lại bị giam giữ còn những người khác lại được thả về ngay và chỉ phải nộp phạt tiền? Liệu bạn trai tôi có phải đi tù không?

Luật sư Bùi Phương Lan – Phó trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính trả lời.

Căn cứ các thông tin bạn cung cấp, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến pháp lý để bạn tham khảo.

Hành vi đánh nhau của bạn trai bạn và các đối tượng liên quan khác tại quán cafe đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự công cộng nói chung nên cơ quan công an mời các bên về đồn để giải quyết là có căn cứ pháp lý. Trong quá trình xử lý, căn cứ vào tính chất hành vi của từng cá nhân liên quan, hậu quả xảy ra, cơ quan pháp luật sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.

Ví dụ: Trong vụ đánh nhau đó, có thể các đối tượng khác chỉ tham gia, chưa gây thương tích cho ai, chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nên chỉ bị xử lý hành chính, cụ thể là phạt tiền, sau đó đã được thả về ngay.

Còn trường hợp của bạn trai bạn, mặc dù là cũng tham gia vào vụ đánh nhau đó nhưng đã gây ra một hậu quả nghiêm trọng hơn, cụ thể là dùng ghế đập vào đầu người khác gây thương tích khiến người đó phải vào bệnh viện điều trị, và người bị đánh lại có đơn yêu cầu xử lý. Vậy việc cơ quan công an áp dụng biện pháp tạm giữ hình sự để điều tra xác minh đối với bạn trai bạn là có cơ sở pháp lý.

Hiện nay, liên quan đến việc tạm giữ người, pháp luật có những quy định riêng về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính và tạm giữ hình sự.

Đối với việc tạm giữ hành chính, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:

Điều 122. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.

2. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.

4. Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.

5. Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính là nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính được bố trí tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người vi phạm hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc, nhưng phải bảo đảm các quy định chung.

Cơ quan có chức năng phòng, chống vi phạm pháp luật mà thường xuyên phải tạm giữ người vi phạm hành chính cần bố trí, thiết kế, xây dựng nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính riêng, trong đó cần có nơi tạm giữ riêng cho người chưa thành niên, phụ nữ hoặc người nước ngoài và phải có cán bộ chuyên trách quản lý, bảo vệ.

Đối với tàu bay, tàu biển, tàu hỏa khi đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga thì tùy theo điều kiện và đối tượng vi phạm cụ thể, người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu quyết định nơi tạm giữ và phân công người thực hiện việc tạm giữ.

6. Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

7. Chính phủ quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Theo quy định của pháp luật, thì thời gian tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 24 tiếng, trừ trường hợp ở miền núi, hải đảo thì có thể kéo dài nhưng cũng không quá 48 tiếng.

Đối với việc tạm giữ người về mặt hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

Điều 86. Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Điều 87. Thời hạn tạm giữ

1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Căn cứ các quy định của pháp luật, đối chiếu trường hợp của bạn trai bạn thấy rằng, bạn trai bạn đã bị áp dụng biện pháp tạm giữ hình sự. Sau khi tạm giữ (có thể gia hạn 3 lần, tối đa là 9 ngày), nếu cơ quan công an có đủ căn cứ xác định bạn trai bạn phạm tội thì có thể tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu không đủ căn cứ khởi tố, cơ quan công an sẽ trả tự do ngay cho bạn trai bạn.

Luật sư Bùi Phương Lan

Luật sư Bùi Phương Lan hiện là phó trưởng văn phòng luật sư Danh Chính. Luật sư Bùi Phương Lan đã có 8 năm trong nghề với những kinh nghiệm về các vụ án hình sự, dân sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại