Câu hỏi
Vừa rồi, trong thôn tôi có xảy ra một vụ trộm chó nhưng bị phát hiện. Anh trai tôi cùng một số thanh niên khác đã đuổi theo và bắt được một trong hai kẻ trộm chó. Do bức xúc, mọi người đã dùng gậy, mũ bảo hiểm đánh tên đó bị thương. Sau đó, công an xã đến và giải hắn về trụ sở rồi đưa hắn vào bệnh viện để điều trị vết thương.
Sau đó, cơ quan công an có mời anh trai tôi và mấy thanh niên tham gia vào vụ đánh tên trộm chó lên làm việc và gần đây có thông báo quyết định khởi tố anh trai tôi và một số người về tội cố ý gây thương tích. Chúng tôi có đến hỏi thì được biết là sau khi được đưa vào bệnh viện, gia đình tên trộm chó đã có đơn đề nghị giám định thương tích, kết quả giám định thương tích là 36% nên họ đã có đơn đề nghị xử lý đối với những người đã gây thương tích cho con trai họ. Còn đối với việc trộm chó, do trị giá con chó chưa đến hai triệu đồng nên không có căn cứ để xử lý hình sự về tội trộm cắp.
Gia đình chúng tôi cũng như nhiều người dân làng rất bức xúc vì bây giờ kẻ trộm lại trở thành người bị hại, còn những người dũng cảm tham gia bắt trộm lại trở thành tội phạm? Rất mong luật sư cho biết cách giải quyết của các cơ quan pháp luật có đúng quy định không?
Ths. Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính trả lời.
Căn cứ các thông tin bạn cung cấp, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến pháp lý để bạn tham khảo.
Trong thời gian gần đây, báo chí cũng như các phương tiện truyền thông đăng nhiều tin, bài về các vụ án liên quan đến việc đánh kẻ trộm chó, nhiều trường hợp còn dẫn đến chết người. Hậu quả là có những trường hợp người tham gia đánh kẻ trộm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là ở các vùng quê nơi các gia đình thường nuôi chó và về mặt tình cảm thì nhiều gia đình còn yêu quý và coi nó như một thành viên trong gia đình do đó họ rất bức xúc với những đối tượng trộm chó.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, cách giải quyết của các cơ quan pháp luật trong các vụ án này đều phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Cụ thể trong trường hợp của bạn, chúng tôi nhận thấy:
Hành vi của kẻ trộm chó rõ ràng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để xử lý hình sự họ về tội trộm cắp tài sản thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Liên quan đến tội danh Trộm cắp tài sản, Bộ luật Hình sự quy định:
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Căn cứ vào quy định của điều luật thấy rằng, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản bị lấy trộm phải từ hai triệu đồng trở lên, hoặc nếu dưới hai triệu đồng thì phải có các điều kiện như gây hậu quả nghiêm trọng , hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục vi phạm. Vậy trong trường hợp của bạn, nếu trị giá con chó bị mất trộm chưa đến hai triệu đồng và không có các điều kiện trên thì các cơ quan pháp luật không có căn cứ để xử lý kẻ trộm chó về tội trộm cắp tài sản mà chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với họ.
Pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm. Tuy nhiên, việc đánh đập, hành hạ, gậy thương tích cho người phạm tội là không được phép.
Do đó, sau khi đã bắt được kẻ trộm chó, việc anh trai bạn cùng một số người khác dùng gậy, mũ bảo hiểm đánh đập, gây thương tích cho kẻ trộm lại là hành vi vi phạm pháp luật. Theo thông tin bạn cung cấp, với thương tích là 36%, gia đình họ lại có đơn đề nghị, thì việc các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh trai bạn và những người đã tham gia vào việc gây thương tích là có căn cứ pháp lý.
Liên quan đến tội danh Cố ý gây thương tích, Bộ luật Hình sự có quy định.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Qua vụ việc này không chỉ là một bài học cho anh trai bạn mà những người khác cũng cần qua đó rút kinh nghiệm, tránh mắc phải sai lầm về pháp luật để rồi phải rơi vào “nghịch cảnh” là trong Phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”, kẻ trộm thì ngồi vị trí người bị hại, còn những người tham gia bắt trộm thì lại đứng trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, trong vụ án này, khi giải quyết vụ án, các cơ quan chức năng có thể sẽ xem xét nguyên nhân, động cơ mục, mục đích của sự việc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các đối tượng liên quan.
Luật sư Chu Mạnh Cường -Trưởng văn phòng LS Danh Chính từng tham gia nhiều vụ án lớn, tạo nên uy tín như vụ Tiên Lãng, vụ Phương Ninh hột...