Có 2 xe máy, nộp phí bảo trì đường bộ 1 xe được không?

Lê Nguyễn |

(Soha.vn) -Cháu có 2 xe máy, 1 chiếc đứng tên mẹ và 1 chiếc đứng tên cháu. Cháu chỉ nộp phí bảo trì đường bộ 1 chiếc có được không?

Độc giả có địa chỉ email: [email protected] có thắc mắc như sau:

Cháu có 2 xe máy, 1 chiếc đứng tên mẹ và 1 chiếc đứng tên cháu. Cháu chỉ nộp phí bảo trì đường bộ 1 chiếc vì cháu đâu thể đi 1 lần 2 chiếc được. Nhưng trên giấy đăng kí phí bảo trì đường bộ thì có ghi biển số xe. Chiếc nộp lệ phí thì cháu đi thường xuyên, chiếc này đứng tên cháu. Còn chiếc không nộp lệ phí cháu chỉ để khi nào chiếc kia trục trặc kĩ thuật thì mới dùng, chiếc này đứng tên mẹ.

Cháu muốn hỏi là: "Nếu như cháu đi chiếc không nộp lệ phí, thì khi gặp CSGT hỏi thì đưa giấy nộp lệ phí chiếc kia ra thì có hợp lệ không?". Và những người nhiều xe thì họ có phải đăng kí phí bảo trì đường bộ cho tất cả xe của họ không?. Vì họ đâu thể nào 1 lần đi được hết tất cả. Xin cảm ơn các luật sư.

TRẢ LỜI: Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách – chủ tịch HĐTV công ty luật Hồng Bách và Cộng sự

Quỹ bảo trì đường bộ là quỹ của Nhà nước được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hình thành, sử dụng, quản lý Quỹ. Hay nói cách khác, quỹ bảo trì đường bộ là quỹ được huy động từ người dân sử dụng phương tiện giao thông để thực hiện cải thiện công trình giao thông nhằm nâng cao chất lượng cầu đường cho người tham gia giao thông.

Theo quy định tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP và thông tư 197/2012/TT-BTC hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thì quy định về phí sử dụng đường bộ được bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2013 (ngày thông tư 197/2012/TT-BTC có hiệu lực).

Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định:

“Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (sau đây gọi chung là xe ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là mô tô)”

Mục đích của việc nộp phí bảo trì đường bộ là thu phí của người sử dụng phương tiện thuộc đối tượng nộp phí vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước, sau đó dùng nguồn kinh phí này để nâng cấp, xây dựng, bảo trì các tuyến đường lưu thông, các công trình giao thông cho các phương tiện giao thông đường bộ trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang còn nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 18/2012/NĐ-CP thì “Phí sử dụng đường bộ được thu theo đầu phương tiện giao thông cơ giới…”, điều này có nghĩa là việc thu phí sẽ chỉ tính trên số phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này) mà chủ sở hữu sở hữu, sử dụng chứ không căn cứ vào mức độ sử dụng phương tiện đó nhiều hay ít. Do đó, những người sử dụng nhiều xe thì họ bắt buộc phải nộp lệ phí cho tất cả các xe mà họ quản lý, sử dụng.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn có sử dụng đồng thời hai chiếc xe máy, một chiếc đứng tên bạn, một chiếc đứng tên mẹ bạn. Theo quy định của Luật thì “Tổ chức, cá nhân sở hữu; sử dụng hoặc quản lý phương tiện (sau đây gọi chung là chủ phương tiện)” sẽ phải thực hiện nộp phí bảo trì đường bộ, do đó, bạn và mẹ bạn bắt buộc phải thực hiện nộp phí bảo trì đường bộ đối với xe máy mà mình đứng tên. Cho nên, việc bạn chỉ nộp phí cho 1 chiếc xe bạn chuyên dùng mà không nộp cho chiếc xe còn lại là vi phạm luật.

Khoản 2 điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 thì Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

“a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

Theo quy định tại điều này, khi bạn tham gia giao thông, các loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo bao gồm 4 loại giấy tờ: Đăng ký xe, giấy phép lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Điều này cho thấy, khi vi phạm giao thông đường bộ, người điều khiển xe cũng không bắt buộc phải xuất trình biên lai nộp lệ phí bảo trì đường bộ cho Cảnh sát giao thông.

Đồng thời, hiện nay tại nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có quy định về việc xử phạt đối với hành vi không nộp phí bảo trì đường bộ.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự có đội ngũ cố vấn là tiến sỹ, các chuyên viên cao cấp đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu và các trường Đại học.

Luật sư Bách có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bào chữa, tranh tụng, giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại