Giờ cháu bé đã hơn 3 tuổi, tôi lại bị mất việc làm nên rất khó khăn. Xin luật sư cho biết, tôi muốn yêu cầu ông bà nội góp tiền cấp dưỡng nuôi con thì có được không?
Phạm Thị Minh Thư (Chí Linh, Hải Dương)
Trả lời:
Khoản 1 (Điều 92, Luật Hôn nhân và Gia đình) quy định: “Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”. Như vậy, người không được giao nuôi con phải đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con cho người được giao nuôi con (chưa thành niên) hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 (Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình) quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại: “Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 58 (Luật Hôn nhân và Gia đình)”.
Đối với trường hợp cụ thể của bạn, cháu bé vẫn còn mẹ, bạn cũng không thuộc trường hợp “không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con” nên không thể yêu cầu ông bà nội cấp dưỡng cho cháu theo quy định. Ngoài ra, việc bạn nuôi con một mình là do chồng bạn bị tai nạn qua đời, không thuộc trường hợp ly hôn nên con bạn không được hưởng cấp dưỡng theo Điều 92 (Luật Hôn nhân và Gia đình).
Tuy pháp luật không quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của nhà chồng nhưng ở góc độ đạo đức thì bạn vẫn có thể nhờ sự giúp đỡ từ họ hàng và cả ông bà nội cháu nếu hoàn cảnh thực sự là khó khăn.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty Luật Intercode)