Câu hỏi:
Vợ chồng tôi kết hôn từ năm 2003 và đã có với nhau một cháu gái. Ngay sau khi kết hôn, vợ chồng tôi đã thuê nhà ở riêng, không sống cùng gia đình chồng. Sau một thời gian làm việc, tích cóp, chúng tôi đã mua được một ngôi nhà riêng đứng tên sổ đỏ hai vợ chồng. Ngôi nhà được mua hoàn toàn bằng tiền riêng của vợ chồng tôi.
Không may, cách đây 3 năm, chồng tôi bị tai nạn qua đời. Từ đó đến nay, hai mẹ con tôi vẫn sống trong ngôi nhà chung của hai vợ chồng. Vừa qua, do nhu cầu cuộc sống, tôi định bán căn nhà đó cho người khác để chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống.
Tuy nhiên, khi tôi định bán, thì bố mẹ chồng tôi can thiệp không cho bán. Tôi thấy ngôi nhà đó là của vợ chồng tôi, đứng tên sổ đỏ cả hai vợ chồng, do vợ chồng tôi mua bằng tiền riêng của mình, vậy tại tại sao bố mẹ chồng tôi lại can thiệp vào việc này. Xin luật sư cho biết bố mẹ chồng tôi làm như vậy có đúng pháp luật không?
Ths. Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính trả lời:
Căn cứ các thông tin bạn cung cấp, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến pháp lý để bạn tham khảo.
Chồng bạn bị tai nạn mất đi không để lại di chúc vậy về về nguyên tắc, di sản của chồng bạn sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Dân sự quy định:
Điều 634. Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Căn nhà của hai vợ chồng bạn hiện đứng tên sổ đỏ hai vợ chồng có thể được coi là tài sản chung của hai vợ chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, một phần trong căn nhà đó sẽ được coi là di sản của chồng bạn và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn sẽ có quyền đối với phần di sản mà họ được hưởng. Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật liên quan, việc xác định di sản được thực hiện như sau: Khi một trong hai vợ chồng mất đi, tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được chia đôi, một nửa thuộc về người còn sống, nửa còn lại được coi là di sản của người đã mất. Di sản đó sẽ được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Bộ luật Dân sự quy định:
Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trong trường hợp của bạn, bố mẹ chồng bạn còn sống, bạn có một người con gái, vậy có thể xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm: Bạn, con gái bạn, bố, mẹ chồng bạn. Về nguyên tắc, cả bốn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được chia phần bằng nhau trong khối di sản mà chồng bạn để lại.
Sau khi chồng bạn mất, bạn và gia đình chưa tiến hành mở thừa kế đối với di sản mà chồng bạn để lại, liên quan đến ngôi nhà mà bạn đang ở. Vậy khi bạn tự quyết định bán ngôi nhà, bố mẹ chồng bạn, với tư cách là người có quyền thừa kế, có quyền ngăn không cho bạn bán căn nhà.
Nếu bạn muốn bán căn nhà, trước hết, bạn phải làm thủ tục mở thừa kế, sau đó mới có quyền bán phần căn nhà thuộc quyền sở hữu của bạn. Hoặc nếu được sự đồng ý của các đồng thừa kế, bạn có thể bán toàn bộ căn nhà và thanh toán lại phần của từng người.
Luật sư Chu Mạnh Cường -Trưởng văn phòng LS Danh Chính từng tham gia nhiều vụ án lớn, tạo nên uy tín như vụ Tiên Lãng, vụ Phương Ninh hột...