Làm sao đòi lại nhà khi cho người quen ở nhờ?

Độc giả [email protected] |

(Soha.vn) - Thương người họ hàng xa không có nhà ở nên tôi đồng ý cho ở nhờ. Sau khi mẹ và chị tôi mất đi thì người họ hàng đó lại giấu giấy tờ và có ý định chiếm đoạt tài sản.

Câu hỏi:

Gia đình tôi gồm 4 người: bố, mẹ, chị, và tôi (nam). Bố và mẹ tôi đã qua đời, chị bị tàn tật từ nhỏ, khi mẹ tôi mất để lại cho chị 2 sổ tiết kiệm và một ngôi nhà, vì tôi ở xa nhà nên tôi và chị đồng ý cho cháu mẹ tôi (bà con xa của mẹ) vô ở nhà vì không có chỗ ở.

Khi chị tôi mất vì ở xa không thể vô kịp, nên những người cháu ở nhờ trong nhà tôi biết chị tôi có tài sản nên trước khi chị chết đã sắp đặt và lập 1 di chúc mà tôi không hề biết. Khi lo tang gia xong thì những người đó đã cất giấu mọi giấy tờ liên quan sổ đỏ, cmnd, sổ tiết kiệm... của mẹ tôi và chị tôi. Tôi yêu cầu trả lại nhưng họ không trả và ko hề nói bất cứ thứ gì!

Tôi xin hỏi luật sư nếu có 1 sự âm mưu chiếm đoạt bằng cách như vậy tôi có thể làm được gì để lấy lại tài sản của mẹ và chị tôi không?

Xin cám ơn!

Luật sư Vi Văn Diện trả lời tư vấn:

Việc trước tiên bạn phải liên hệ với các cơ quan quản lý những tài sản đó để nhờ can thiệp, bảo vệ không cho giao dịch, chuyển dịch sở hữu những tài sản đó. Đồng thời bạn nhờ những cơ quan đó cung cấp thông tin, tài liệu về những tài sản bạn đang bị người khác chiếm giữ sau đó yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác nhận chị bạn là người có nhược điểm về thể chất và tinh thần nên bản di chúc được lập kia không thể có giá trị về mặt pháp lý.

Theo quy định của pháp luật, người có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác - tùy thuộc vào giá trị của tài sản bị chiếm giữ - có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

- Trường hợp này bạn có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng để yêu cầu họ trả lại tài sản chiếm giữ trái pháp luật đồng thời đề nghị truy tố những người đó trước pháp luật.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại