Câu hỏi:
Do mâu thuẫn về việc sử dụng khoảng sân chung giữa hai nhà, gia đình tôi và gia đình ông A hàng xóm thường xảy ra chuyện cãi vã, xích mích. Vì gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng già, con cái công tác ở xa, trong khi đó gia đình ông A có hai cậu con trai lớn, một cậu lại vừa đi tù về nên tôi thường khuyên nhủ vợ tôi nhẫn nhịn trong những lần gây chuyện của nhà hàng xóm.
Tuy nhiên, vừa qua, họ lại cố tình gây chuyện cãi vã, sau đó ông A và hai cậu con trai còn cầm búa, dao sang nhà tôi đập phá, gây hư hỏng nặng tài sản của gia đình tôi như ti vi, tủ lạnh, xe máy ... Tôi đã báo chính quyền địa phương, công an phường đã đến lập biên bản, mời cả hai gia đình nên phường làm việc nhưng sau đó tôi lại thấy họ được thả về.
Sau khi được về, họ vẫn tiếp tục chửi bới và còn tỏ thái độ thách thức gia đình tôi. Tôi nghe mọi người nói việc đập phá tài sản của người khác là vi phạm pháp luật về hình sự? Kính mong luật sư tư vấn cho chúng tôi biết việc đập phá tài sản của gia đình tôi như vậy thì bị xử lý như thế nào? Chúng tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Ths. Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính trả lời.
Căn cứ các thông tin ông cung cấp, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến pháp lý để ông tham khảo.
Bộ luật Hình sự có quy định.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm.
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi đập phá tài sản của người khác, nếu đủ điều kiện thì có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ luật Hình sự. Điều kiện ở đây là mức độ thiệt hại phải từ hai triệu đồng trở lên, hoặc nếu dưới hai triệu đồng thì phải có các yếu tố như gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trong trường hợp của ông, ông có thể yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục cần thiết để xác định trị giá tài sản bị hủy hoại. Trong trường hợp trị giá tài sản bị hủy hoại từ hai triệu đồng trở lên (hoặc dưới hai triệu đồng nhưng có các điều kiện quy định tại khoản 1 điều 143), ông có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan điều tra, viện kiểm sát) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng liên quan theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của gia đình ông.