Tình huống chia sẻ của độc giả:
Tôi 47 tuổi, có 1 con gái 23 tuổi và 1 con trai 16 tuổi. Khi lập gia đình, bố chồng tôi để lại cho chúng tôi 1 mảnh đất đứng tên chồng tôi. Sau thời gian làm việc, tôi đã tích cóp được tiền để xây lại căn nhà trên mảnh đất đứng tên chồng tôi. Số tiền xây dựng căn nhà 90% là do tôi kiếm ra nhưng thời gian đó tôi không chứng minh tài sản. 3 năm trở lại đây chồng tôi đi lăng nhăng bên ngoài rồi về nhà chửi bới vợ con.
Khi bị tôi và con nói lại thì ông ấy đánh rồi dọa đuổi tất cả 3 mẹ con tôi ra khỏi nhà. Ông ấy không đồng ý li hôn vì ko muốn chia tài sản theo luật và tuyên bố với vợ con rằng sẽ viết di chúc cho người khác hoặc hiến tất cả tài sản làm từ thiện. Chính vì không đứng tên ở sổ đỏ và giấy tờ nên dù bị chồng đánh, chửi nhưng tôi vẫn không dám đơn phương li hôn vì sợ sẽ mất tất cả bao công sức gây dựng cả đời, cả 3 mẹ con tôi sẽ không có nơi nương tựa. Xin hỏi luật sư hiện tại tôi có quyền đơn phương li hôn ko? Và nếu li hôn thì tài sản sẽ được chia thế nào?
Tôi xin cảm ơn luật sư!
Luật sư Trương Quốc Hoè tư vấn:
Thứ nhất, về quyền đơn phương ly hôn
Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 về Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn quy định:
“ Điều 85 Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn
2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.”
Theo quy định này, pháp luật quy định trường hợp người vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla
thì vợ/chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn. Trong trường hợp của chị không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình. Do vậy, căn cứ vào khoản 1 bạn hoàn toàn có quyền đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Theo quy định của pháp luật tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Toà án tiến hành hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”
Theo quy định tại Điều 91 Luật hôn nhân gia đình:
“Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn”.
Do vậy bạn hoàn toàn có quyền đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Thứ hai, về việc phân chia tài sản khi ly hôn.
Theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 Việc chia tài sản chung của 2 vợ chồng sẽ tuân theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn tại như sau:
“1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết..
2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình...”
Hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận phân chia tài sản khi ly hôn theo quy định tai khoản 1 Điều 95. Nếu hai vợ chồng bạn không tự thỏa thuận được về việc chia tài sản nên sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết.
Căn cứ vào quy định tại điều 27 về Tài sản chung của vợ chồng:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.”
Theo quy định trên thì mảnh đất gia đình chị đang sử dụng đứng tên chồng chị như vậy nó không phải là tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 27 “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đứng tên cả vợ và chông”. Như vậy đây là tài sản riêng của chồng chị nên không đưa vào mục tài sản chung khi Tòa án giải quyết ly hôn và phân chia tài sản chung của vợ chồng.
Về căn nhà của vợ chồng bạn thì đây là tài sản chung của hai vợ chồng trong hôn nhân thì sẽ đươc chia theo quy định tại Điều 98 về Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng:
“Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng”
Theo đó, trong trường hợp của bạn thì tài sản chung là ngôi nhà sẽ được chia đôi, có tính đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này.
Để chứng minh được mình góp công sức nhiều hơn để đươc chia phần tài sản xứng đáng với công sức của mình bạn phải đưa ra các dẫn chứng để chứng minh mình đóng góp công sức nhiều hơn vào ngôi nhà của 2 vợ chồng bạn. Ví dụ đóng góp tiền và công sức trong những lần sửa chữa, tu bổ nhà, hay đóng góp nhiều tiền hơn khi mua nhà…