Tối 28-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1120 thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ do ông Vũ Viết Ngoạn đứng đầu. Ngay sáng 29-7, Thủ tướng đã có cuộc làm việc đầu tiên với Tổ tư vấn này.
TS Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn, cho biết: “12 giờ 30 ngày 29-7, cuộc họp đầu tiên giữa Thủ tướng và Tổ tư vấn mới kết thúc.
Thủ tướng đã lắng nghe hết ý kiến của các chuyên gia về những giải pháp cụ thể”.
Các bộ, ngành vẫn làm việc của mình
. Phóng viên: Vậy nội dung quan trọng nhất trong cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với Tổ tư vấn là gì, thưa ông?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Đó là việc tìm những giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả của thị trường và hiệu lực của quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành.
. Tổ tư vấn với những cách thức, công việc, nhiệm vụ như được quy định thì có chiếm mất công việc các bộ, ngành khác không?
+ Không. Các bộ, ngành khác vẫn làm việc của mình. Chẳng hạn việc bỏ giấy phép, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì các bộ cứ làm.
Còn việc làm như thế nào thì Tổ tư vấn sẽ kiến nghị với Thủ tướng. Dĩ nhiên kiến nghị của Tổ tư vấn sẽ có thể khác với những gì các bộ, ngành đề xuất.
. Tổ tư vấn này có khác tổ tư vấn của Thủ tướng các nhiệm kỳ trước?
+ Quan điểm của Thủ tướng là phải hành động, không nên so sánh về những sự khác biệt của Tổ tư vấn qua các nhiệm kỳ. Thực ra mà nói, để làm tốt được việc tư vấn cho Thủ tướng là không dễ dàng chút nào, rất áp lực.
. Những áp lực sẽ đến từ đâu và theo các cách thức nào, thưa ông?
+ Điều đầu tiên là khi công bố quyết định thì rõ ràng ai cũng biết Thủ tướng đã có một tổ tư vấn. Những quyết sách của Thủ tướng, dù sao thì người dân cũng thấy có trách nhiệm của Tổ tư vấn.
Nếu làm có trách nhiệm thì mỗi thành viên sẽ phải làm việc nhiều hơn. Nhưng tổ chức thực hiện được những quyết định cải cách của Thủ tướng cũng là một thách thức.
Bởi hiện nay, tìm được những điểm sáng để cổ vũ cho liêm chính, kiến tạo, phục vụ là một việc rất quan trọng.
Đề xuất nhiều giải pháp cụ thể
. Vậy Tổ tư vấn và cá nhân ông đã đưa ra những giải pháp gì?
+ Tổ tư vấn đã đề cập đến việc phá bỏ rào cản, tạo điều kiện cho kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu lực quản lý nhà nước. Nói chung, mọi người đều có những giải pháp cụ thể.
Phần tôi thì kiến nghị thực hiện triệt để hơn Nghị quyết 19 trong việc cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Đây cũng chính là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng kể từ đầu nhiệm kỳ.
Hiện nay phải xem có bao nhiêu văn bản về kiểm tra chuyên ngành, bao nhiêu nghị định, thông tư về các điều kiện kinh doanh. Ba năm nay chúng ta nỗ lực bỏ điều kiện kinh doanh nhưng kết quả chưa như mong đợi.
. Liệu rằng điều kiện kinh doanh có phải là dư địa duy nhất để cải cách?
+ Không phải, các thành viên Tổ tư vấn đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể hơn, đụng chạm đến tất cả lĩnh vực. Chẳng hạn việc nâng công suất cảng Cái Mép - Thị Vải. Việc này sẽ giảm được áp lực giao thông cho TP.HCM, cùng với đó là những chi phí xã hội cho nơi năng động nhất cả nước này. Vậy phải đầu tư mở rộng quốc lộ 51 thế nào, 100 km của quốc lộ này không phải là không có tiền để làm.
Ai không làm thì đứng sang một bên
. Có ai đề xuất việc tinh gọn bộ máy để thay đổi cách quản lý không?
+ Điều này được nhiều người đề xuất rất nhiều từ trước tới nay. Bởi cần phải thay đổi cách thức quản lý theo hướng minh bạch, công khai. Trong bối cảnh này, xét cho đến cùng phải xem sự thay đổi của bộ máy thế nào.
Cách thức chủ yếu là phải tạo áp lực, nâng cao kỷ luật hành chính. Nếu ai không làm, không tiến hành cải cách hoặc có ý chần chừ thì phải đứng sang một bên.
. Làm gì thì cũng phải danh chính ngôn thuận, thưa ông?
+ Đúng rồi, phải có cơ chế bổ nhiệm. Tức là nếu cần thiết các bộ trưởng sẽ bổ nhiệm những cán bộ có tinh thần cải cách, thúc đẩy phát triển đảm đương nhiệm vụ của những người khác.
Nếu làm như vậy thì chắc chắn cán bộ, công chức sẽ phải năng động hơn.
Các bộ trưởng nếu tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng sẽ ý thức được cải cách thế nào, kết quả và cách thức cải cách nhắm đến sẽ ra sao. Nếu một cục trưởng, vụ trưởng không chịu thực hiện cải cách thì hoàn toàn có thể đưa vụ phó, cục phó lên thay thế.
Nhà nước vẫn làm thay quá nhiều
. Nhưng tôi thấy nhiều bộ, ngành, cơ quan cứ kêu thiếu biên chế, thiếu người, thậm chí thiếu cấp phó để đi họp…
+ Bởi vậy cải cách phải đồng bộ. Việc than phiền đó là do hậu quả của xu hướng ôm đồm nhiều việc không cần thiết của Nhà nước. Chẳng hạn nếu có 10 giấy phép bỏ đi bảy giấy phép thì đương nhiên công việc sẽ bớt đi.
Nhà nước hiện đang làm thay người dân, thay thị trường quá nhiều. Không những thế, có những việc không cần làm thì làm, còn việc cần làm thì lại không làm.
. Chẳng hạn như việc gì?
+ Cấp phép tôi nói ở trên là một ví dụ. Hiện nay các cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ như một người thợ và cái gì cũng bảo làm theo quy định.
Trong khi đó, với ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ, công chức có thể làm việc tốt hơn, rút ngắn thời gian hơn và phục vụ người dân tốt hơn.
Nói thế thôi, người ta vẫn thích bắt người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ, giấy tờ bản cứng. Tại sao như thế? Vì khi tiếp xúc thì mới ra nhiều thứ, chẳng hạn như tham nhũng vặt. Cho nên những lý do để biện minh cho cách làm cũ thực ra là ngụy biện, nhằm bảo vệ lợi ích riêng của mình…
. Vậy cuối cùng Thủ tướng kết luận thế nào, thưa ông?
+ Thủ tướng cho rằng đây là cuộc gặp rất có ý nghĩa và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến. Qua thảo luận, tôi nhận thấy trong thời điểm hiện nay, có thể tình hình khó khăn nhưng cách thức giải quyết vấn đề không phải là không có.
. Xin cám ơn ông.
15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng do TS Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, làm tổ trưởng.
14 thành viên Tổ tư vấn kinh tế gồm:
PGS-TS Trần Ngọc Anh, ĐH Indiana, Hoa Kỳ;
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright;
TS Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương;
GS-TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân;
GS-TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp;
PGS-TS Vũ Minh Khương, ĐH Quốc gia Singapore;
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM;
TS Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam;
GS-TS Trần Văn Thọ, ĐH Waseda, Nhật Bản;
GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.
_________________________
Được chủ động làm việc với các bộ, ngành
Tổ tư vấn kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm.
Đồng thời tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.
Tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng...
Tổ tư vấn kinh tế được chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu; được hợp tác với các chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ.
Thành viên của Tổ tư vấn kinh tế được mời tham dự các hội nghị, cuộc họp, làm việc của Chính phủ, Thủ tướng có nội dung liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ.