Bất đồng leo thang giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
Mối bất hòa không còn đơn thuần chỉ là chuyện song phương giữa hai nước Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nữa mà đã bắt đầu phát tác những tác động tới cả đối tác khác và có thể biến tướng thành những chuyện với bản chất khác.
Nhưng cũng lại rất có thể chính vì thế mà vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.
Mối bất hòa lần này bắt đầu từ việc phía Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho một mục sư người Mỹ hoạt động tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ từ hơn 20 năm nay và bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ - vừa mới chuyển thành quản thúc tại gia - từ 2 năm nay, tức là từ trước khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc mục sư kia hậu thuẫn hoạt động khủng bố nhưng thực chất muốn đánh đổi với Mỹ lấy đối thủ chính trị đáng gờm nhất của tổng thống Recep Tayyip Erdogan là giáo sỹ Guelen hiện sống lưu vong ở Mỹ.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên NATO và có mối quan hệ đồng minh truyền thống với nhau từ nhiều năm nay. Khác với người tiền nhiệm, ông Trump không nể nang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì mối quan hệ ấy khi nhu cầu đối nội trở nên cấp thiết hơn và quan trọng hơn.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đốt đồng đô la Mỹ.
Người này còn sẵn sàng bất chấp cả NATO thì đâu có ngại ngùng gì với việc làm găng với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ lúc đầu còn đối phó Mỹ theo phương châm "người sao ta vậy", cũng lấy trừng phạt đáp trả trừng phạt, cùng dùng khẩu chiến đối chọi khẩu chiến.
Nhưng rồi Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhanh chóng nhận ra rằng Mỹ có nhiều lợi thế và con chủ bài hơn Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ dẫu không thắng được ngay thì chắc chắn cũng không thua trong khi quyền lực và số phận chính trị của ông Erdogan càng ngày càng bị đe dọa thật sự và nghiêm trọng.
Đơn giản bởi vì mối bất hòa này với Mỹ đang tác động ngày càng thêm nhiều và thêm tiêu cực tới kinh tế và ổn định chính trị xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Điểm yếu "chết người" của Thổ Nhĩ Kỳ
Những biện pháp chính sách của ông Trump đối với Thổ Nhĩ Kỳ - đặc biệt là sự biểu lộ quyết tâm khuất phục Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi giá và trừng phạt về kinh tế thương mại cũng như sử dụng đồng USD như vũ khí - đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến trước nguy cơ bị sa vào khủng hoảng kinh tế và tiền tệ.
Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế và tiền tệ luôn là mảnh đất màu mỡ cho sinh trưởng khủng hoảng chính trị xã hội.
Đồng bản tệ của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất giá nhanh chóng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Những biện pháp đối phó của ông Erdogan về kinh tế và tiền tệ cho tới nay chưa đưa lại được cải thiện gì và xem ra còn không thích hợp để có thể giúp xoay chuyển được tình thế.
Tình trạng này càng kéo dài thì càng bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyện xung khắc với Mỹ và càng thêm nguy hiểm đối với quyền lực của ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, ông Trump cần cuộc bất hòa này với Thổ Nhĩ Kỳ trước hết phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ nên sẽ còn tiếp tục nó chứ không nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ lại không nhận được sự hậu thuẫn đáng kể nào về chính trị, kinh tế, tài chính và thương mại của các đồng minh khác trong NATO và của các đối tác. Vì thế, ông Erdogan phải tính đến chuyện nhượng bộ Mỹ.
Dấu hiệu đầu tiên là việc đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ đề nghị gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.
Việc nhanh chóng đáp ứng đề nghị gặp gỡ này của phía Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy phía Mỹ cũng không muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến đường cùng mà giải quyết vụ việc càng sớm càng tốt sau khi đã đạt được mục tiêu đề ra.
Gạt chuyện ai thắng ai thua trong chuyện này sang bên, cả hai phía đều đã chẳng khác gì tự vạch áo cho người xem lưng.
Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân ông Erdogan đã tự bộc lộ những điểm yếu và dễ bị tổn thương nhất của họ, cho thấy an ninh xã hội và ổn định chính trị ở đây chẳng hề bền vững chút nào, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ thực chất không có chỗ dựa trong các liên minh và tổ chức đa quốc gia mà nước này là thành viên.
Phía Mỹ cho thấy là vì lợi ích riêng của Mỹ mà NATO hay phương Tây không còn chi phối chính sách của Mỹ như trước nữa. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy sẵn sàng vì lợi ích của riêng mình mà để cho các đồng minh và đối tác bị vạ lây như thế nào.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại