Gian nan cây hồi
Với lợi thế nằm ở vùng trung du của tỉnh Lạng Sơn, Bình Gia có gần 100.000 ha đất lâm nghiệp là lợi thế rất lớn để phát triển cây hồi. Tuy nhiên, với tập quán canh tác truyền thống, số lượng và chất lượng không ổn định. Đặc biệt, rừng hồi lâu năm già cỗi, thoái hoá, năng suất thấp, không có giải pháp khắc phục khiến bà con thu nhập bấp bênh.
Trước những thách thức cho vùng trồng hồi, đồng thời xác định hồi là cây trồng chủ lực, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia đã chỉ đạo phòng chuyên môn triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây hồi, hướng đến mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn.
Song song, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương, xây dựng, triển khai Mô hình “Ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi” (mô hình), triển khai trong 3 năm, từ 2020 đến 2023. Nhờ đó, các dự án cải tạo, nâng cao chất lượng cây hồi đều thành công, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trọng việc nâng cao chất lượng hồi nói chung của huyện.
Từ mô hình ứng dụng, huyện đã triển khai 5 mô hình sản xuất hồi hữu cơ với tổng diện tích 141,9 ha, tại các xã: Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Hồng Phong, Thiện Hòa.
Bên cạnh phát triển sản xuất hồi hữu cơ, UBND huyện còn chỉ đạo phòng chuyên môn phối với các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở triển khai các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hồi.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, huyện đã triển khai 20 mô hình, dự án với tổng diện tích 524,6 ha. Cụ thể như mô hình ứng dụng và nhân rộng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 40 ha, tại các xã: Minh Khai, Quang Trung, Hồng Thái...; dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 484,6 ha, tại các xã: Hoa Thám, Hưng Đạo, Thiện Hòa, Thiện Thuật...
Ông Nông Ngọc Hậu, xã Tân Văn (huyện Bình Gia) chia sẻ, được sự hướng dẫn của huyện, của xã, gia đình ông đã tham gia mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi do Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương triển khai trên diện tích 1ha. Gia đình ông đã được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hồi như cách bón phân vi sinh, phun chế phẩm sinh học Bio... Sau khi thực hiện các kỹ thuật này, diện tích hồi phát triển tốt hơn, cho năng suất cao và hạn chế được sâu bệnh trên lá...
“Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được trên 2 tấn hoa hồi tươi, mang lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm (tăng 70% so với khi chưa áp dụng kỹ thuật)”, ông Hậu phấn khởi nói.
Ứng dụng khoa học hiệu quả
Từ hiệu quả thiết thực của dự án “Ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây Hồi”, phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị tập huấn, thăm mô hình thực nghiệm của dự án.
Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân quan tâm mở rộng diện tích, trồng mới thay thế các diện tích rừng hồi già cỗi, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để từng bước xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao.
Điển hình như cuối năm 2023, huyện triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây hồi tại xã Quang Trung với tổng diện tích 46,6 ha, gồm 31 hộ tham gia; HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hồi quế thạch Bình Gia ký kết hợp đồng bao tiêu với các hộ dân tham gia thực hiện dự án.
Trong năm 2024, UBND huyện Bình Gia tiếp tục ban hành Kế hoạch 97 ngày 26/3/2024 về trồng mới thay thế, cải tạo, xây dựng mô hình mở rộng diện tích hồi hữu cơ, xây dựng mô hình trình diễn trên địa bàn huyện. Kế hoạch được các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai và đã lựa chọn 12 mô hình để xây dựng thành mô hình trình diễn nhân rộng trên toàn huyện.
Với đồng bộ các giải pháp, chất lượng cây hồi của huyện Bình Gia ngày một nâng cao, diện tích rừng hồi tăng đều theo từng năm gần đây. Hiện nay, toàn huyện có gần 11.500 ha hồi (tăng hơn 2.000 ha so với năm 2022).
Trong đó, diện tích hồi có năng suất ổn định, chất lượng cao chiếm chủ yếu với 9.961 ha, hơn 400 ha diện tích hồi mới cho thu hoạch; chỉ còn khoảng 1.107,3 ha diện tích hồi già cỗi đang được huyện tuyên truyền, vận động người dân từng bước cải tạo, trồng mới thay thế.
Sản lượng hồi khô của huyện cũng tăng dần hàng năm, nếu như giai đoạn 2020 – 2022, sản lượng hồi khô bình quân toàn huyện khoảng 2.500 tấn, cho doanh thu từ 250 – 350 tỷ đồng, thì đến năm 2023, sản lượng hồi khô toàn huyện đạt hơn 5.000 tấn, cho doanh thu đạt 500 tỷ đồng.
Về kế hoạch phát triển vùng hồi thời gian tới, ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện chobiết, cùng với các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, huyện cũng sẽ chú trọng kết hợp với các nhà khoa học để chuyển giao khoa học kỹ thuật, xem xét, khảo sát điều kiện thực tế của từng xã để triển khai mô hình phát triển cây hồi phù hợp, hiệu quả.
Để tránh hiện tượng “được mùa mất giá”, huyện cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục quan tâm giúp huyện trong việc kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm hồi của huyện.
Giá trị, tiềm năng kinh tế mà cây hồi mang lại rất lớn và sự quan tâm, chỉ đạo trong việc phát triển cây hồi của huyện Bình Gia cũng rất rõ ràng. Với lộ trình này, Bình Gia đang trở thành vùng nguyên liệu hồi lớn, góp phần phát triển thương hiệu hồi Xứ Lạng đến thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.