Nhiều người làm cha mẹ luôn mong muốn tạo điều kiện sống tốt nhất cho con. Họ thậm chí còn dành cả đời hy sinh cho con không mong nhận lại. Tuy nhiên, để có thể giữ mối quan hệ tình thân tốt đẹp cả đời, bố mẹ nên giữ lại cho mình những “tài sản” quý giá thay vì đánh đổi mọi thứ cho con cái.
1. Thời gian
Mỗi người đều có 1 quỹ thời gian nhất định. Vì vậy chúng ta nên quý trọng thời gian của mình để làm những việc ý nghĩa. Không ít người lãng phí thời gian để làm những việc vô bổ, khi nhìn lại mới thấy hối hận. Ở ngưỡng tuổi trung niên trở đi, mỗi người làm cha làm mẹ nên dành thời gian cho chính mình nhiều hơn. Chúng ta nên làm những điều mình mong muốn, đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi.
Nhiều người phải chăm sóc cháu, giúp đỡ con thời điểm này. Tuy nhiên, bạn cần biết cân đối giữa cuộc sống của mình và gia đình. Nếu như bạn mệt mỏi, kiệt sức, phí hoài thời gian vì con cái thì người chịu thiệt vẫn là bạn.
Người có tuổi nên phân bổ thời gian của mình hợp lý. Hàng ngày, bạn cần quan tâm tới thời gian ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc khoa học để đảm bảo sức khỏe.
2. Sức khỏe
Không ít người rơi vào hoàn cảnh buộc phải chăm sóc cháu chắt vì họ còn sức khỏe. Chăm nom cháu chắt giúp con cái là việc nên làm nhưng cần lượng sức mình. Ở giai đoạn bắt đầu bước vào tuổi trung niên, con người đã có dấu hiệu sức khỏe xuống dốc. Vì thế, nếu như mỗi người đều lơ là sức khỏe, hậu quả sẽ rất tồi tệ.
Thay vì cố gắng “bòn rút” sức khỏe của mình để hỗ trợ con cái, người có tuổi nên thẳng thắn chia sẻ với con để đưa ra giải pháp tốt nhất. Lúc này, nếu như bạn có sức khỏe không tốt và không thể giúp đỡ các con chúng cũng chẳng thể trách cứ.
Đây là “tài sản” bạn cần bảo vệ cho riêng mình mà không làm mất lòng con cái. Muốn cuộc sống gia đình bình yên và không có mâu thuẫn, cả bố mẹ, con cái đều phải thấu hiểu cho nhau.
3. Tiền bạc
Dù tiền bạc không phải thứ quan trọng nhất nhưng lại ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta rất mạnh mẽ. Đối với người già, tiền bạc càng là “tài sản” giá trị vì lúc này họ không có đủ sức khỏe để làm việc. Bởi vậy, mỗi người sau khi về hưu đều nên coi trọng đồng tiền, tập trung tiết kiệm để có thể sống tự chủ.
Không ít bậc cha mẹ dồn toàn bộ tài sản cho con cái và nhận cái kết “đắng”. Thực chất, cha mẹ hoàn toàn có thể để lại tiền bạc cho con cái nhưng nên ở 1 mức độ vừa phải. Khi phụ huynh tạo cho con cái cảm giác đủ đầy, chúng có thể sẽ không trân trọng cuộc sống. Chúng nghĩ thành quả mà bố mẹ đạt được cả đời không có ý nghĩa và có thể nảy sinh tâm lý dựa dẫm.
Lúc này, các bậc cha mẹ lại là những người hại chính con cái của mình. Con không chỉ sống ỷ lại mà thậm chí còn trách móc bố mẹ. Từ đó, gia đình xảy ra mâu thuẫn cũng không phải điều gì bất ngờ.
Mỗi người lại là cá thể riêng, có suy nghĩ, cảm xúc, hành động riêng. Bởi vậy không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thấu hiểu người xung quanh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên chia sẻ với nhau nhiều hơn, cố gắng tránh mọi bất hòa đang diễn ra trong gia đình.