Kích thước và cấu trúc não bộ của con người sẽ thay đổi và khiến các tế bào thần kinh mất khả năng kết nối khi chúng ta già đi và theo thời gian, người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc chứng mất trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng từ tuổi 30 trở đi là thời điểm tốt nhất để tăng cường sức khỏe não bộ và giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc mất trí nhớ.
Theo Hiệp hội Alzheimer, từ sau tuổi 30, mọi người có thể làm thêm 5 điều dưới đây để tăng cường sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và mất trí nhớ.
1. Ngừng uống rượu bia
Các chuyên gia tại Hiệp hội Alzheimer cho biết uống rượu bia và đồ uống có cồn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Theo Viện quốc gia Hoa Kỳ về Lạm dụng rượu và Nghiện rượu, uống rượu khiến các vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ, sự thăng bằng và lời nói hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc chấn thương hoặc các rủi ro sức khỏe khác.
Bác sĩ y khoa Mike Bohl, chuyên gia y tế về chăm sóc não bộ khuyến cáo mọi người nên hạn chế hoặc kiêng rượu bia hoàng toàn để tốt cho sức khỏe não bộ.
Ảnh minh họa.
2. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe não bộ, gây suy giảm nhận thức nhanh hơn những người hút thuốc.
Theo một nghiên cứu từ hơn 7.000 nam giới và phụ nữ trong khoảng thời gian 12 năm, những người đàn ông trung niên hút thuốc có nguy cơ mắc suy giảm nhận thức nhanh hơn những người không hút thuốc.
Một đánh giá tổng hợp từ 37 nghiên cứu khác nhau cũng chỉ ra rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 30% so với những người không hút thuốc.
3. Thường xuyên tập thể dục
Duy trì tập thể dục thường xuyên giúp hỗ trợ máu lưu thông đến não bộ tốt hơn và giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Tiến sĩ Miriam Ferrer, tại Cambridge Nutraceutical nói: “Máu lưu thông trơn tru trong não bộ có nghĩa là các tế bào não sẽ nhận được nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn. Đồng thời quá trình lưu thông máu diễn ra hiệu quả cũng giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do có thể gây hại cho não” .
Theo Hiệp hội Alzheimer, một số nghiên cứu xem xét tác động của việc tập thể dục nhịp điệu (bài tập làm tăng nhịp tim) ở người trung niên hoặc người lớn tuổi đã báo cáo rằng những người thường xuyên tập thể dục đã cải thiện đáng kể về khả năng tư duy, trí nhớ và giảm tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Ảnh minh họa.
4. Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, cá và hạn chế lượng muối ăn hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Theo đó, các nhà nghiên cứu khuyến khích mọi người ăn theo chế độ ăn uống MIND với các loại thực phẩm có khả năng bảo vệ tế bào não bộ và phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ. Cụ thể, chế độ ăn uống MIND bao gồm ăn ít nhất 3 loại ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày (ví dụ như yến mạch, quinoa, gạo lứt,...), ăn tối thiểu 6 phần rau xanh, 5 phần hạt, 2 phần quả mọng và 4 phần đậu.
Ngoài ra, Tiến sĩ Martha Clare Morris, cùng với các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Rush và Trường Y tế Công cộng Harvard Chan khuyến cáo mọi người nên hạn chế ăn quá nhiều các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều đường để bảo vệ sức khỏe não bộ.
Một nghiên cứu thực hiện trên 493.888 người ở độ tuổi 40 - 69 tại Anh chỉ ra rằng ăn 25 gram thịt chế biến mỗi ngày có thể làm tăng 44% nguy cơ mắc tất cả các bệnh sa sút trí tuệ và tăng 52% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nguyên nhân là do các loại thịt đã qua chế biến có chứa chất bảo quản, nhiều muối gây ra căng thẳng oxy hóa, viêm và có thể dẫn đến huyết áp cao, một yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ mạch máu.
Trong khi đó, chế độ ăn nhiều đường cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, khiến mọi người cảm thấy căng thẳng, cáu kỉnh và mệt mỏi.
Ảnh minh họa.
5. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc đóng vai trò quan trọng giúp duy trì một bộ não khỏe mạnh. Bởi, thời gian ngủ chính là thời điểm để tâm trí và não bộ nạp năng lượng và phục hồi. Bác sĩ Bohl chia sẻ: "Thiếu ngủ có thể gây ra các vấn đề về não bộ".
Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc khiến não phải vật lộn để hoạt động như bình thường. Như vậy, não bộ sẽ không có thời gian để phục hồi, các tế bào thần kinh trong não buộc phải làm việc quá sức, từ đó dẫn đến tình trạng não bộ không còn hoạt động tối ưu. Về lâu dài tình trạng ngủ không đủ giấc có thể khiến một người có nguy cơ bị suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ cao hơn.
Ngoài ra, thiếu ngủ kéo dài, đặc biệt là sau tuổi trung niên, có thể gây hại cho não vì thiếu ngủ có thể phá vỡ chu trình làm sạch tự nhiên về đêm của não. Bởi khi cơ thể chìm vào giấc ngủ sâu, các tế bào thần kinh tiến hành đào thải beta-amyloid và tau, những protein gây ra bệnh Alzheimer nhiều hơn.