Mong muốn được các cơ quan chức năng công bố rõ ràng để nỗi oan khuất hơn 40 năm của ông được rửa đã trở thành niềm mong mỏi của ông già 80 tuổi Trần Văn Thêm. Bởi, oan khuất của ông được rửa thì không chỉ bản thân ông mà những người thân, dòng họ được rũ bỏ được cái tiếng “kẻ giết người” mà ngay cả các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không bị mang tiếng thả ông không rõ ràng.
Ông Thêm kể ngắt quãng: “Tôi còn nhớ khi trở về vừa bước chân xuống ga Đông Anh, người nhà ra đón chỉ nghe tiếng khóc ầm ĩ mà chẳng biết ai là con ai là cháu”.
Bởi ông đã bị tạm giam là 5 năm 6 tháng 7 ngày, người trong gia đình đã tưởng ông bị bắn rồi. Khi trở về ông, không có giấy tờ gì ngoài tờ giấy “miễn lao động nặng”.
Ông Thêm cho biết, khi trở về không có giấy tờ gì chứng minh mình vô tội, làng xóm và người em dâu (vợ của nạn nhân Văn trong vụ án oan nghiệt năm 1970) vẫn dị nghị, họ cho rằng ông Thêm đút lót để được tha.
Mỗi khi làng có việc, hoặc trong câu trò chuyện, ông Thêm vẫn nghe những câu nói hắt hủi, cay nghiệt: “Không dây với kẻ giết người”.
Nỗi oan tày trời này không chỉ có ông Thêm mang mà những người thân của ông cũng phải gánh. Bố ông, vợ ông đến lúc chết vẫn không biết ông Thêm sẽ được minh oan.
Các con ông cả 6 người (2 trai 4 gái) đều thất học, chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn. Cả dòng họ của ông bị mang tiếng là “họ có kẻ giết người”.
“Tôi bị oan không chỉ có tôi đi tù oan, mà con cháu và cả dòng họ của tôi đều bị mang tiếng có kẻ giết người”- ông Thêm nói bằng giọng nghèn nghẹn.
Ông Thêm chia sẻ: “Khi tôi được thả ra, trở về nhà, vợ Văn vẫn bảo: “Thằng Thêm giết chồng nó”. Con nhà nó vẫn cứ đe đánh con nhà tôi”.
Bởi khi bị bắt, bị kết án tử hình ông Thêm thì xét xử công khai, nhưng khi bắt được thủ phạm thật, cơ quan pháp luật thả ông ra thì chẳng có sự rõ ràng.
Người làng đều biết ông đã bị 2 lần kết án tử hình, bỗng nhiên trở về thì có người đồn đại ác ý: “Chắc đút lót thế nào, chứ án tử hình làm gì có chuyện được tha”- ông Thêm chua chát kể.
Làng xóm dị nghị ông đau xót một, điều đau xót 10 với ông Thêm, cho đến giờ ông vẫn mang tiếng là giết em họ. Người vợ của nạn nhân trong vụ cướp giết năm nào vẫn đinh ninh ông Thêm giết chồng mình.
Đến lúc chết rồi, mối hiềm nghi đó vẫn còn chưa dứt mà truyền cho các con cháu. Dù người em dâu đã chết nhưng đến giờ 2 gia đình vẫn không hề qua lại với nhau.
Dù phải chịu cảnh oan khuất như vậy, nhưng bản thân ông Thêm vẫn chỉ mong một ngày nhà nước minh oan cho ông để ông có thể thanh thản nhắm mắt xuôi tay.
Với những gì cư xử không phải của gia đình nạn nhân, ông vẫn sẵn sàng bỏ qua hết. Ông nói: “Bác cháu trước sau như một, tôi không bao giờ thù hằn cháu”
Theo hồ sơ vụ án, đêm 23/6/1970, hai anh em ông Thêm mua hàng về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên họ vào chòi cắt tóc ven đường để ngủ.
Khoảng 1h ngày hôm sau, khi đang lơ mơ ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu ông.
Ông Trần Văn Thêm kêu lên, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu người em là Văn (em họ ông Thêm) nằm cạnh đó.
Nghe tiếng kêu cứu trong đêm, người dân đưa anh em ông Thêm vào trạm xá xã Đông Tĩnh rồi sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương. Khi chuyển tiếp đến Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú thì người em đã chết.
Các cơ quan tố tụng ở Vĩnh Phú sau đó cho rằng ông là hung thủ giết người. Tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm.
Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản.
Sau nhiều năm kêu oan, đêm 30 Tết năm Âm lịch (đầu năm 1976), ông Thêm cho biết, mình được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Khi đó, tổng thời gian ông ở trại tạm giam là 5 năm 6 tháng 7 ngày.
Ông đi kêu oan nhiều năm, gửi đơn đến các cấp nhưng các cơ quan trả lời là “không có đủ căn cứ”, không tìm thấy giấy tờ”.
Đến năm 2014, với sự giúp đỡ của người thân và luật sư Vũ Văn Lợi, ông Nguyễn Văn Hòa (Công ty Luật Hòa Lợi) gia đình ông Thêm mới tìm thấy 2 bản án tử hình (sơ thẩm, phúc thẩm) lưu trữ tại Công an tỉnh Bắc Ninh.
Từ 2014 đến nay, ông Thêm và gia đình tiếp tục gửi đơn khắp nơi, đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2014) và các ngành Tư pháp.
Ngày 9/8/2016, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức họp chuyên ngành với các cơ quan liên quan. Cuối buổi họp, các báo đồng loạt đưa tin, ông được kết luận là oan.