Từ năm 2017, giới tinh hoa võ học cổ truyền Trung Quốc bắt đầu bị xem thường khi tay đấm MMA Từ Hiểu Đông lần lượt hạ đo ván hàng loạt võ sư của những môn phái cổ truyền lừng danh.
Ở Việt Nam thì sao? Cũng đã có khá nhiều cuộc tranh luận của những người quan tâm đến võ học nổ ra về sự hơn thua giữa võ thể thao hiện đại và võ cổ truyền, khi Trương Đình Hoàng - nhà vô địch quyền Anh Sea Games 28 thách đấu võ sư Pierre Francois Flores của môn phái Vịnh Xuân Nam Anh.
Cuộc tranh cãi này xem ra còn lâu mới có lời giải đáp phần nào, khi trận đấu đáng được chờ đợi trên giữa hai trường phái cũ mới đã bị hủy bỏ, mà bên nào cũng đưa ra bằng chứng tố bên kia có lỗi. Nhưng để luận anh hùng, cần tìm hiểu bản chất và mục đích của mỗi võ phái.
Võ thể thao khỏe như trâu, đòn mạnh như hổ
Với những môn võ đã được thể thao hóa, nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic hoặc các đại hội thể thao ở cấp thấp hơn, thể lực là yếu tố tiên quyết. Họ là võ sĩ và cũng là những VĐV.
Ngay từ khi nhập môn, các võ sĩ đã được rèn thể lực và thể lực nâng cao cũng là những bài tập xuyên suốt trong quá trình thi đấu đỉnh cao. Trong khi đó, kỹ năng chiến đấu và đòn thế luôn được tinh giản một cách tối đa nhất nhằm mang lại hiệu quả cao trên nền tảng thể lực sung mãn.
Vậy nên, để có được chiếc đai WBC châu Á - chiếc đai quyền Anh chuyên nghiệp ở Việt Nam, ít ai biết được rằng, võ sĩ quyền Anh Trần Văn Thảo từng phải trải qua "chuỗi ngày ăn cơm chan máu, vì nó cứ tứa ra sau những trận đấu tập liên tục với các đối thủ trên cân mình".
Nguyễn Trần Duy Nhất - tay đấm 7 lần đăng quang ngôi vô địch thế giới hạng bán chuyên thì thổ lộ: "Mỗi ngày phải luyện thể lực và đấm đá tới 8 tiếng. Thậm chí nếu ép cân còn phải mặc áo nylon tập nặng vào giữa trưa khi thời tiết nóng nhất. Bởi nếu không có thể lực, võ sĩ khó trụ vững trên sàn đài khốc liệt".
Trương Đình Hoàng từng làm vang danh làng boxing Việt Nam với tấm HCV ở Sea Games 28. Nhưng trước khi chạm tay vào vàng, cũng ít ai hay trên cơ thể tay đấm quê Đắk Lắk đầy rẫy những vết thâm tím.
"Có những chuyến tập huấn ở Thái Lan, ngoài các bài tập thể lực rất nặng, tôi phải tập với những võ sĩ có trình độ cao hơn mình, họ đấm vào mạn sườn, có khi 10 ngày sau mình vẫn đau khi cười".
Võ thể thao là vậy, nó đòi hỏi các võ sĩ phải có nền tảng thể lực tốt mới có thể trụ vững trên sàn đài, để gặt hái thành công.
Võ cổ truyền yếu như sên, chỉ giỏi múa máy lòe thiên hạ?
Nhưng nếu xem một buổi tập của các môn phái cổ truyền, người xem lại có cảm giác khác: nó nhẹ hàng với những bài quyền uyển chuyển. Và cũng khác với võ thể thao, kẻ nhập môn buộc phải tập thể lực thì thể lực lại không phải yếu tố quan trọng nhất với những ai nhập môn.
Võ sư Lê Kim Hòa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, trưởng môn Thanh Long Võ Đạo khẳng định: "Chúng tôi muốn luyện nhân cách trước rồi mới đến võ học. Võ sinh cần thấm nhuần Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín khi tập võ". Tương tự, võ sư Nam Anh Kiệt - Tổng đàn chủ Vịnh Xuân Nam Anh cũng cho biết: "Trước tiên, võ sinh chúng tôi phải học đạo và hướng đến đạo làm người".
Nhìn chung, võ cổ truyền không đặt nặng vấn đề luyện thể lực ngay từ đầu với những môn sinh nhập môn như võ thể thao hiện đại.
Võ sư Nam Anh Kiệt nói về sự khác nhau giữa võ thể thao và võ cổ truyền
Và sau những màn tỷ thí trước hai loại hình võ thuật cũ và mới mà phần thắng tạm nghiêng về bên thể thao, không ít ý kiến cho rằng, võ cổ truyền yếu vì bỏ qua rèn thể lực, tập trung quá nhiều cho những đòn thế có phần màu mè. Trong khi võ thể thao như đã đề cập, đòn thế phải tinh giản để đạt hiểu quả cao nhất trên nền tảng thể lực sung mãn nhất.
Các võ phái cổ truyền Việt Nam dĩ nhiên không đồng tình với quan điểm trên. Võ sư Nam Anh Kiệt cho rằng: "Võ thuật theo đúng nghĩa của nó, phải có tính chiến đấu. Những môn võ thể thao hiện đại, họ đưa ngay tính ứng dụng chiến đấu vào ngay lúc ban đầu. Môn sinh tập thể lực nặng, tập đánh, tập va chạm từ rất sớm, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chiến đấu thực tế. Tức là họ đào tạo chiến binh ngay từ ban đầu".
"Nhưng ngược lại, võ cổ truyền không nhằm mục đích đào tạo chiến binh ngay từ đầu, mà họ đào tạo về nhân cách và tư cách của con người nhiều hơn, đó cũng là quá trình của việc dùng ý chí chế ngự thân xác, tập bản lĩnh".
"Như vậy, cả võ cổ truyền và võ hiện đại đều hướng tới kỹ năng chiến đấu, nhưng quãng đường hoàn thiện của một võ sinh võ cổ truyền dài hơn, dài hơn vì trước khi học chiến đấu phải học đạo làm người. Vì mục đích khác nhau như vậy, nên tôi cho rằng, không thể đòi hỏi một nhà sư kiếm tiền giỏi hơn ông đi buôn và ngược lại, ta không thể đòi hỏi ông đi buôn giỏi đạo pháp hơn nhà tu hành được".
Ngọn lửa và dòng nước
Theo giới nghiên cứu võ học, tất cả các môn võ được thể thao hóa và du nhập vào Việt Nam như Muay, Taekwondo hay Karatedo cũng đều xuất phát từ võ cổ truyền. Nhưng võ thể hiện đại do tối giản và không có nhiều thời gian nên tập trung nhiều cho thể lực mà bỏ qua những giai đoạn công phu, phức tạp từng bước rất mất thời gian như "pháp môn quyền", "liên hoàn", "tản bộ", "tinh bộ".
Võ sư Nam Yên - vị quán trưởng của Vịnh Xuân Nam Anh cho rằng: "Khi chiến đấu thực tế cần đánh nhanh, ở giai đoạn liên hoàn thì các môn võ thể thao hiện đại thường kém hiệu quả do thiếu pháp môn đầu tiên. Liên hoàn là phải nối được từng đòn mà vẫn đầy đủ lực. Sau đó là tản bộ bay nhảy di chuyển linh hoạt và khi đến tinh bộ ở mức cao là chỉ đứng tấn, lấy tĩnh chế động, rất hiệu quả trong phòng thủ cũng như tấn công mà không mất nhiều thể lực".
Quán trưởng Nam Yên nói về võ thuật cổ truyền
Có một thực tế khác ở các môn võ thể thao tại Việt Nam cũng như thế giới, đó là khi giải nghệ rồi về già, các võ sĩ thường mất khả năng chiến đấu, bởi họ dựa nhiều vào thể lực. Thậm chí, có những trường hợp bệnh tật do tập và thi đấu quá nặng, điển hình như huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali.
Nhưng với võ cổ truyền thì "gừng càng già lại càng cay", bởi rèn thể lực không phải yếu tố quyết định nhất, mà nội lực, là khí công kết hợp đông y.
Võ sư Nam Yên cho biết: "Các vị bên võ thể thao thực chiến còn có thể lên sàn đấu hoặc biểu diễn ở tuổi 60, 70 là hiếm lắm. Nhưng các võ sư cổ truyền 70 hay 80 tuổi họ vẫn có sức mạnh đáng nể, vì họ luyện khí công và coi võ thuật là để dưỡng sinh. Tập nặng như võ thực chiến nếu sai cách có thể sẽ tàn phá cơ thể sau này…".
Nếu so sánh ví von, võ thể thao hướng tới thực chiến giống như ngọn lửa bùng cháy, có thể thiêu hủy một tòa lâu đài chỉ còn trơ trọi khung đá và sắt. Nhưng võ cổ truyền hướng tới sức khỏe dưỡng sinh lại giống như giọt nước, cứ từ từ thấm lâu nhưng có thể làm mòn sắt đá…
Thế mới hay câu, luận anh hùng chớ kể hơn thua!