Từ trường Bắc Cực đang dịch chuyển nhanh chưa từng thấy, có khả năng sẽ phải cập nhật lại GPS sớm hơn dự kiến

Thiên Long |

Kể từ năm 2015 đến nay, Cực Bắc từ của Trái Đất đã có sự dịch chuyển dần từ vùng bờ biển phía Bắc Canada về phía Siberia (Nga) với tốc độ hơn 48km/năm. Điều này dẫn tới từ trường ở vùng Bắc Cực có sự thay đổi lớn chưa từng thấy.

Các nhà khoa học mới đây đã cập nhật lại mô hình từ trường toàn cầu World Magnetic Model (mô hình do Trung tâm Thông tin Môi trường Hoa Kỳ và Cục Khảo sát Địa chất Anh lập nên).

Từ trường Bắc Cực đang dịch chuyển nhanh chưa từng thấy, có khả năng sẽ phải cập nhật lại GPS sớm hơn dự kiến - Ảnh 1.

Việc cập nhật này là cần thiết để hệ thống GPS trên smartphone, điều hướng máy bay, tàu thuyền và các thiết bị dò đường của quân đội có thể hoạt động chính xác nhất. Đây là một thay đổi nhỏ đối với hầu hết chúng ta nhưng là thay đổi quan trọng đối với những người cần xác định chính xác hướng di chuyển tới Bắc Cực.

Nhà địa vật lý Phil Hepmore thuộc Đại học Leeds cho biết, sự trôi dạt của cực từ Trái Đất cho thấy có một thứ gì đó đang hoạt động rất mạnh mẽ sâu bên trong lõi của Trái Đất.

Từ trường của hành tinh xanh được tạo ra sâu bên trong lõi của Trái Đất, cách mặt đất khoảng 3.200km. Nó là một khối kim loại nóng chảy và luôn xoay tròn trong lõi của Trái Đất. Những thay đổi trong dòng chảy kim loại đó sẽ làm thay đổi các đường sức từ của Trái Đất và cực từ nơi chúng hội tụ.

Cũng bởi vậy mà điểm Cực Bắc từ khó có thể cố định ở một chỗ. Nó liên tục di chuyển thậm chí theo nhiều nghiên cứu, cực từ của Trái đất đã có lúc lật ngược lại, tức là Cực Bắc sẽ chuyển thành Cực Nam và ngược lại. Sự kiện này có thể xảy ra 3 lần cứ mỗi 1 triệu năm.

Chuyến thám hiểm đầu tiên của con người vào năm 1831 đã phát hiện thấy Cực bắc chính xác nằm ở Canada. Sau đó khi quân đội Mỹ bắt đầu tìm kiếm cực Bắc của Trái Đất vào cuối những năm 1940, Cực Bắc từ đã di chuyển khoảng 400km về phía Tây bắc.

Kể từ những năm 1990, nó đã di chuyển một khoảng cách lên tới 970km và vị trí nằm ở giữa Bắc Băng Dương. Hiện nay Cực Bắc từ đang có xu hướng di chuyển dần từ vị trí bờ biển phía Bắc Canada hướng về vùng Siberia của Nga.

Nhà nghiên cứu Ci Ci Beggan thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh (BGS) chia sẻ: "Cực Bắc từ di chuyển với tốc độ khoảng 50 km/năm. Nó không di chuyển trong khoảng từ 1900-1980 nhưng giờ thì nó đã tăng tốc trong suốt 40 năm qua".

Thật kỳ lạ khi cực Nam của Trái Đất không hề xoay chuyển và vị trí tương đối ổn định ở ngoài khơi bờ biển phía đông Nam Cực.

Xác định Cực Bắc từ là điều bắt buộc với quân đội ở châu Âu và châu Mỹ, bởi lẽ họ đều sử dụng mô hình World Magnetic Model – WMM trong các hoạt động di chuyển và hành quân.

Nghiên cứu của nhà khoa học Livermore cho thấy, vị trí của Bắc Cực từ được kiểm soát bởi hai mảng từ trường bên dưới Canada và Siberia. Phát biểu tại một cuộc họp của Liên minh Địa vật lý Mỹ vào tháng 12/2018, ông cho rằng, sự xáo trộn ở phía dưới Bắc Cực có thể lý giải cho sự chuyển động của các đường sức từ bên trên nó.

Từ trường Bắc Cực đang dịch chuyển nhanh chưa từng thấy, có khả năng sẽ phải cập nhật lại GPS sớm hơn dự kiến - Ảnh 2.

Mô hình World Magnetic Model thường thay đổi 5 năm/lần. Bản cập nhật tiếp theo dự kiến sẽ được công bố vào năm 2020.

Tuy nhiên biến động ở Bắc Cực đã xảy ra nhanh hơn dự đoán khiến các nhà khoa học phải cập nhật lại Bắc Cực từ sớm hơn.

Vào thời điểm mùa hè, dữ liệu từ World Magnetic Model và vị trí trong thời gian thực của Bắc Cực từ đã trở nên khác biệt và gần như vượt ngưỡng để điều hướng một cách chính xác về phương Bắc.

Một số người suy đoán rằng, đã quá lâu kể từ khi xảy ra một sự kiện đảo ngược từ trường Trái Đất. Và những thay đổi Cực Bắc từ gần đây có thể là dấu hiệu cho một thảm họa nào đó liên quan đến từ trường sắp xảy ra.

Mặc dù vậy Hepmore bác bỏ quan điểm trên khi cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy những thay đổi cục bộ ở Bắc Cực là dấu hiệu cho thấy một sự kiện khủng khiếp sắp xảy ra.

Từ nay cho tới khi mô hình World Magnetic Model được cập nhật lại, việc điều hướng về phương Bắc có thể sẽ sai lệch đôi chút so với trước kia.

Tham khảo Sciencealert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại