Người Anh, mà cụ thể là báo chí Anh, những người từng 20 năm trước khinh khi Arsene Wenger, đã chúc mừng ông nhân dịp 20 năm gắn bó với Premier League bằng 2 cách.
Thứ nhất, họ đánh giá ông là ứng cử viên được yêu thích nhất cho chiếc ghế HLV trưởng ĐT Anh. Thứ hai, họ khuyên ông tránh xa cái ghế ấy ra, vì họ yêu mến ông, và không muốn ông nhận được những sự thiếu tôn trọng từ những kẻ vẫn công khai bài ngoại trong làng bóng đá xứ sương mù.
Báo giới Anh tôn trọng HLV Wenger sau 20 năm ông cống hiến cho bóng đá xứ Sương mù.
Họ nhắc lại câu chuyện của Sven-Goran Eriksson cách đây nhiều năm. Ngày đầu tiên đến trụ sở FA (lúc đó còn ở Soho Square) nhận việc, ông được đón bởi 1 cảnh sát với biểu ngữ "Bớt vênh vênh cái mặt đi nhé. Người bọn tôi cần là Terry Venables".
Tất nhiên, người Anh hôm nay đã ý thức được HLV của họ yếu kém đến mức nào so với các HLV đến từ Italia, Đức, Pháp, TBN nhưng thói quen suy nghĩ của một đế chế lớn vẫn sẽ khiến họ "tiêu diệt" bất kỳ HLV ngoại nào, nếu người ấy chẳng may gặp scandal.
Mà Scandal là điều khó ai tránh khỏi, nhất là khi paparazzi săn lùng HLV trưởng của tuyển Anh mỗi ngày. Sam Allardyce là một ví dụ. Ông đã sai khi nhận tiền để "bỏ qua các quy tắc của FA" (như ông nói) nhưng việc ông bị xử vẫn khiến người Anh coi đó là Big Shame (nỗi nhục lớn).
Và từ vụ Sam-Gate, cánh cổng nào mở rộng cho HLV tuyển Anh đây, khi ai cũng hiểu đó là rủi ro cực lớn với sự nghiệp của mình.
Sam Allardyce dính phải tai nạn nghề nghiệp không thể nào quên.
Song, chuyện ở nước Anh, một nền bóng đá chuyên nghiệp, chỉ cho thấy cái khắc nghiệt của một nghề, có tương quan rất gần với văn hóa.
Còn chuyện ở Việt Nam lại là câu chuyện khác. Nó là câu chuyện của sự "thiếu văn hoá" khi HLV trưởng của ĐTQG luôn bị cư xử không xứng tầm với vị thế của mình, nhất là khi ông ta là người Việt.
Chúng ta chắc đã quên câu chuyện cái chỗ ngồi của HLV Hữu Thắng trong buổi họp báo ra mắt ĐTQG và cả buổi họp báo công bố danh sách ĐTQG lần đầu tiên cách đây khá lâu. Nhưng câu chuyện mới nhất liên quan tới ông, ở buổi Gala tổng kết V-League vừa rồi chắc chắn sẽ khiến chúng ta cảm thấy rõ ràng có sự thiếu tôn trọng rất lớn với Hữu Thắng.
Trong buổi lễ công bố mình là HLV trưởng ĐTQG và U23 Việt Nam nhưng HLV Hữu Thắng phải ngồi rìa bàn họp (Ảnh: VOV).
Ở hạng mục cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa giải, hai người được mời lên sân khấu để trao thưởng là cựu HLV ĐTQG Calisto và đương kim HLV trưởng Hữu Thắng.
Ông Calisto, có lẽ vì không biết rành tiếng Việt, nên đã nhanh tay trao luôn phần thưởng và hoa cho Vũ Văn Thanh của HAGL. Điều đó biến Hữu Thắng thành "người thừa" trên sân khấu. Nhưng HLV trưởng ĐTVN đã rất bản lĩnh khi vẫn nở nụ cười, bắt tay và ôm Calisto một cách thân mật.
Ai cũng biết, tổ chức sự kiện luôn có những phát sinh bất ngờ và người giỏi tổ chức sự kiện là người ứng biến kịp thời với phát sinh ấy. Sự việc nhỏ ở Gala vừa rồi thực ra không phải là phát sinh bất ngờ, mà nó là nguyên do của sự thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng.
HLV Hữu Thắng chỉ còn biết lên ôm ông Calisto và cố gắng cười thật tươi (Ảnh: Webthethao).
Lẽ ra, khi mời Calisto và Hữu Thắng cùng trao giải, họ phải được tóm tắt kịch bản việc mình sẽ làm. Nếu vậy, chắc chắn ông Calisto cũng sẽ không khiến Hữu Thắng "đơ" trên sân khấu một cách đáng tiếc.
Hữu Thắng ngay sau đó đã không nán lại ở Gala. Ông về lại với đội. Nếu đặt ra câu hỏi "Ông có bực không?", tin chắc chúng ta sẽ trả lời: "Rất bực". Đặt mình ở cương vị của Hữu Thắng, chúng ta cũng bực. Chúng ta sẽ cho rằng BTC đã thiếu tôn trọng mình.
Gala kể trên được tổ chức bởi VPF, công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị tổ chức các giải đấu V-League và hạng nhất. Rõ ràng, tổ chức một sự kiện trao giải còn lật đật, manh mún thì bảo sao cả cái giải đấu, vốn là một chuỗi nhiều sự kiện, không lộn xộn đến mức bị kêu ca suốt từ mấy mùa bóng nay.
Muốn HLV ĐTQG của mình được tôn trọng thì trước hết chính chúng ta cần tôn trọng Hữu Thắng!
Hữu Thắng có tâm sự, thực ra ông không muốn trao giải. Ông cho rằng việc ông cần làm nhất lúc này là tập trung cho ĐTQG chứ không phải những việc phù phiếm kiểu xây dựng hình ảnh cá nhân ấy.
Nhưng khi được thuyết phục là giải thưởng cho cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nếu được ghi nhận từ chính HLV trưởng sẽ là khích lệ lớn, ông đã chấp nhận ở tư cách của một người thầy.
Song, có lẽ giờ ông đã tiếc vì mình nhận lời. BTC có thanh minh rằng đó là do sơ suất kịch bản nhưng có lẽ đó chỉ là biện minh vụng về. Kịch bản là gì? Là sự chuẩn bị trước kỹ lưỡng. Còn sự cố kia là gì? Là không có một kịch bản kỹ lưỡng để biến HLV trưởng ĐTQG thành người "quê độ" trên sóng truyền hình.
Chúng ta muốn các đối thủ tôn trọng mình, chúng ta phải tự trọng trước. Muốn HLV trưởng ĐTQG Việt Nam được tôn trọng, tự chúng ta phải tôn trọng ông trước. Nhưng xem ra, ở nền bóng đá này, ngoài quan chức bóng đá ra, cầu thủ, HLV đều như cỏ, như rơm hết???