Sáng ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã công bố thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Thương vụ giữa hai tỷ phú đã cho thấy một ví dụ điển hình về những xu hướng M&A trong những năm gần đây.
Theo báo cáo "Xu hướng M&A Hàng tiêu dùng - Bán lẻ: Cuộc đua chuyển đổi chiến lược và tăng trưởng chiến lược năm 2019", KPMG đánh giá, M&A trong lĩnh vực này đang tập trung vào 3 xu hướng chính:
Thứ nhất là tối ưu hóa danh mục đầu tư, tạo ra sự kết hợp phù hợp khi các doanh nghiệp định hình lại danh mục đầu tư để đáp ứng với việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Thứ hai là hướng tới sự lành mạnh, có đạo đức và tính xác thực, các doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi khi người tiêu dùng đang tập trung vào mục tiêu ăn uống lành mạnh hơn, tiêu dùng bền vững và thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Thứ ba là chuyển đổi số.
Một số ví dụ quốc tế có thể kể đến gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ Empire Company Ltd. (Canada) vào tháng 9/2018 cho biết họ sẽ mua trang trại tạp hóa Farm Boy với giá 800 triệu USD từ công ty cổ phần tư nhân Boston Berkshire Partners LLC và các cổ đông.
Empire sở hữu chuỗi cửa hàng tạp hóa Sobeys Inc. và FreshCo Ltd. và chuỗi nhà thuốc Lawtons. Farm Boy hướng tới hình ảnh là một thương hiệu tốt nhất với những khách hàng tuyệt đối trung thành, cam kết phục vụ hàng hóa lành mạnh, tươi ngon, và cả các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Một thương vụ tỷ USD khác là Supervalue Inc. sáp nhập 2,9 tỷ USD với United Natural Food vào tháng 9/2018. Thỏa thuận đã tạo ra một nhà phân phối thực phẩm đa dạng, phục vụ cả hàng tạp hóa thực phẩm truyền thống và hiện đại.
Một trong những khách hàng chính của United Natural là Whole Food. "Với vị trí hàng đầu của chúng tôi trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ và sự hiện diện của Supervalue trong các sản phẩm quay vòng nhanh - chúng tôi sẽ trở thành đối tác được lựa chọn cho nhiều khách hàng hơn", Steve Spinner - CEO của United Natural nói.
Cụ thể trong trường hợp của thương vụ vừa công bố tại Việt Nam, thoả thuận được các bên tham gia cho biết là để tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam, phù hợp với việc tối ưu hóa danh mục đầu tư như KPMG nhận định.
Liên doanh giữa các bên tham gia sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm của Masan. Như vậy Masan có được hệ thống phân phối hàng đầu của Vincommerce, trong khi VinEco sẽ có được kinh nghiệm sản xuất tiêu dùng từ đối tác Masan.
Với việc VinEco đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng thúc đẩy nông nghiệp sạch, vì mục tiêu đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho người Việt, có cái tên VinEco trong liên doanh này cũng là một cách để thể hiện hình ảnh lành mạnh, an toàn.
"Sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới" - Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan phát biểu về sự hợp tác giữa nhà bán lẻ và công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam