Từ "thế mạnh" thành "cơn đau đầu" cấp tính, khó chữa: Đây là điều khiến kinh tế TQ còn lâu mới vượt được Mỹ?

Hồng Anh |

Từ một nền kinh tế có lợi thế lớn về lao động giá rẻ, Trung Quốc đang dần "mất nhiệt", National Interest bình luận.

Việc Trung Quốc trỗi dậy tưởng chừng sẽ không có điều gì ngăn cản được, nhưng sự thật là họ đang phải đối diện với không ít trở ngại, trong đó bao gồm vấn đề dân số.

Năm 1979, chính phủ Trung Quốc đã ban hành "chính sách một con" nhằm kiểm soát dân số, tuy nhiên họ đã không lường trước được rằng chính sách ấy sẽ trở thành một trong những hòn đá tảng chặn đường phát triển của đất nước sau này.

Theo The National Interest, mặc dù chính sách này đã được loại bỏ và thay thế bằng chính sách hai con vào năm 2015, nhưng sau một thời gian tăng nhẹ thì tỉ lệ sinh lại tiếp tục suy giảm. Nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo rằng hiện nay đã là quá muộn để ngăn ngừa những tổn thất dài lâu do chính sách năm 1979 gây ra.

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng dân số của Trung Quốc sẽ tăng lên 1,4 tỉ người vào năm 2029; tuy nhiên sau đó quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ chứng kiến sự sụt giảm dân số "không thể ngừng lại". Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, đến năm 2050 dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,36 tỉ người, trong đó lực lượng lao động giảm đến 200 triệu người.

Nếu tỉ lệ sinh vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, thì đến năm 2065, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,17 tỉ người, theo báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

"Trên lý thuyết, suy giảm dân số về lâu dài, cùng với đó là tháp dân số ngày càng già hóa, sẽ có nghiêm trọng đối với xã hội và nền kinh tế", báo cáo trên nêu rõ.

Hiện nay tỉ lệ sinh trung bình tại Trung Quốc đã chính thức giảm xuống 1,6 - thấp hơn so với con số 2,1 được coi là tỉ lệ giúp dân số Trung Quốc duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng tỉ lệ sinh thực tế của Trung Quốc có thể chỉ đạt mức 1,18; trong khi chỉ cần con số này giảm xuống 1,3 đã đủ khiến dân số Trung Quốc giảm một nửa trong vòng 80 năm tới.

Một trong những hậu quả khác của chính sách một con là tình trạng thiếu nữ giới đáng báo động, do các gia đình Trung Quốc thường muốn sinh con trai để có người nối dõi. Hiện nay Trung Quốc đang "thừa" 34 triệu nam giới, và dự kiến đến năm 2020, nước này sẽ có tới 24 triệu đàn ông độc thân không kiếm được vợ.

Tình hình thiếu nữ, thừa nam có thể còn trở nên trầm trọng hơn nữa khi số nữ giới trong độ tuổi từ 22-31 dự kiến sẽ giảm 40% trong giai đoạn từ năm 2015-2025.

Bên cạnh những nguyên nhân như di cư hay vấn đề kinh tế, một số người cho rằng tỉ lệ sinh tại Trung Quốc suy giảm do giới trẻ hiện nay có suy nghĩ khác so với thế hệ trước về các giá trị truyền thống như chuyện lập gia đình và sinh con. Trong khi đó, tỉ lệ người đăng ký kết hôn tiếp tục giảm, còn tỉ lệ các cặp đôi ly hôn lại tăng lên.

Một số vấn đề khác có thể kể đến như chi phí nuôi con tăng cao, trong đó bao gồm phí nhà ở, tiền nuôi con ăn học, và các trường mầm non quá tải.

Từ thế mạnh thành cơn đau đầu cấp tính, khó chữa: Đây là điều khiến kinh tế TQ còn lâu mới vượt được Mỹ? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa: Reuters

Bước ngoặt lịch sử

Ông Yi Fuxian, một nhà kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng dân số Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm từ năm 2018 - lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua kể từ nạn đói trong thời kỳ "Đại Nhảy Vọt" của thập niên 60.

"Có thể coi năm 2018 là bước ngoặt lịch sử đối với dân số Trung Quốc", nhà kinh tế học trên trả lời báo New York Times.

Một trong những tác động tiêu cực đầu tiên của vấn đề suy giảm dân số là lực lượng lao động suy giảm.

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2013, số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc (từ 15 đến 64 tuổi) đã giảm liên tục trong 4 năm liền. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có tham vọng vươn xa hơn nữa.

Hậu quả là, vào năm 2011, tỉ lệ người phụ thuộc - những người già và trẻ em không ở trong độ tuổi lao động - đã tăng lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ, và con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Dự kiến đến cuối năm 2035, số người cao tuổi tại Trung Quốc có thể chạm mốc 400 triệu người. Năm 2018, con số này là 240 triệu người.

Ngân sách của chính phủ Trung Quốc đã hứng chịu những hậu quả ban đầu. Quỹ hưu trí đã phải chi ra 640 ti Nhân dân tệ (NDT) vào năm 2016, tăng 140% so với 5 năm trước đó. Các nhà phân tích cho biết quỹ này sẽ còn phải chi nhiều hơn nữa - con số có thể tăng lên 60.000 tỉ NDT/năm vào năm 2050, tương đương hơn 20% trong chi tiêu chính phủ.

Những con số dự đoán trên càng chứng minh nhận định rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á này "đã già cỗi" trước khi kịp thịnh vượng.

"Số người cao tuổi tại các nước phát triển tăng gấp đôi lên 24% trong vòng 65 năm, từ năm 1950 tới năm 2015. Vào thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của họ đã ở mức khoảng 41.000 USD", cây viết Shuli Ren của Bloomberg nhận định.

"Trong khi đó, tại Trung Quốc, quá trình già hóa dân số này chỉ mất 12 năm - vào năm 2030; tuy nhiên mức thu nhập bình quân đầu người của họ vào năm 2025 chỉ đạt khoảng 1/3 so với con số mà các nước phát triển đã đạt được vào năm 2015".

Từ thế mạnh thành cơn đau đầu cấp tính, khó chữa: Đây là điều khiến kinh tế TQ còn lâu mới vượt được Mỹ? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: UPI.

Nới lỏng chính sách

Đứng trước cuộc khủng hoảng dân số, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã nới lỏng chính sách kiểm soát dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Một số thay đổi về chính sách để khắc phục tình trạng tỉ lệ sinh thấp và thiếu hụt lao động do già hóa dân số có thể kể đến là luật tăng tuổi nghỉ hưu, cùng với đó là các khoản trợ cấp nhằm khuyến khích các gia đình sinh thêm con.

Tuy nhiên, theo bài học nhãn tiền từ các quốc gia phát triển, thì việc đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh thấp là điều rất khó khăn, cho dù chính phủ có ban hành các chính sách hấp dẫn đến mấy.

Nhà kinh tế học Lyman Stone đã thực hiện một nghiên cứu về chính sách khuyến khích sinh con ở Bắc Âu, và kết luận rằng chính sách này hầu như không có tác động lớn tới tỉ lệ sinh nói chung.

Tình trạng kinh tế trì trệ đã khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 2 chữ số giảm xuống còn 1 chữ số, trong khi đó "núi nợ" của nước này đã tăng lên 254% so với GDP vào cuối năm 2018.

Trung Quốc có thể mở rộng cánh cửa đối với người lao động nước ngoài như Nhật Bản, hoặc tìm cách tăng năng suất lao động để bù lại cho số lượng lao động suy giảm. Tuy nhiên, đó cũng là điều khó khăn khi nhiều công ty Trung Quốc không muốn đón nhận lao động người nước ngoài, trong khi năng suất lao động lại giảm xuống.

Từ một nền kinh tế có lợi thế lớn về lao động giá rẻ, Trung Quốc đang dần "mất nhiệt", National Interest bình luận.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống 5,5% từ mức 6,5% hiện nay, thậm chí có thể tiếp tục giảm xuống 4,5% vào năm 2030. Với tình hình này, Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện được tham vọng chiếm lĩnh ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ, các nhà phân tích này nhận định.

Trong khi đó, lực lượng lao động của Ấn Độ, Indonesia và Mỹ được dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn từ nay tới năm 2060. Cụ thể, dân số của Ấn Độ được cho là sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2027, và Mỹ cũng được hưởng lợi từ làn sóng nhập cư và tỉ lệ sinh cao,

Nếu suy giảm dân số là việc "trời định", thì đó sẽ là thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, và trước mắt họ vẫn chưa tìm ra cách giải quyết hiệu quả nào về lâu dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại