1. Trận thứ ba trong 4 trận liên tiếp gần nhất, CLB Hà Nội "đánh rơi vàng" vào những phút bù giờ. Nếu không "đánh rơi" 2 điểm đáng tiếc trên sân Thống Nhất, giờ họ đã gác TP.HCM 2 điểm. Nếu không mất thêm 2 điểm ở phút bù giờ trước đội bét bảng Sanna Khánh Hòa BVN trên sân Hàng Đẫy, giờ này họ đã hơn đội bóng so kè sát sao với mình 4 điểm. Và nếu không để Văn Toàn sút tung lưới ở phút 90+4, họ đã có thể nghĩ đến ngôi vô địch với 6 điểm nhiều hơn đội xếp thứ nhì.
Có phải do thiếu Đình Trọng? Trung vệ tài năng một thời của bóng đá Việt Nam - Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng hoàn toàn không phải như thế. "Nếu nói vậy, có khác nào chê CLB Hà Nội quá yếu, phải phụ thuộc vào một cá nhân? Nhiều đội bóng cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nhưng họ không gặp vấn đề", cựu danh thủ này nhận định.
Một nhận xét khác của trung vệ thép một thời của ĐTQG Việt Nam, cũng như CLB Thể Công cực kỳ đáng ghi nhận khi nói về sức mạnh "vượt trội" của CLB Hà Nội so với các đội bóng khác ở V.League: "Vừa vào trận, CLB Hà Nội đã có 20% thắng lợi, chưa nói đến thế trận trên sân.
Họ là CLB đồng đều. Các đội bóng thường co về phòng ngự. CLB Hà Nội rảnh chân hơn, và hàng phòng ngự của họ cũng ít phải làm việc hơn. Theo tôi, hàng thủ của CLB Hà Nội không hề mạnh".
Theo Nguyễn Mạnh Dũng, các đối thủ đối đầu với đội bóng thủ đô này thường có tâm lý sợ sự đồng đều của CLB Hà Nội, khiến họ tự thua.
Quả tình, không khó để thấy bắt đầu từ giai đoạn lượt đi, CLB Hà Nội bắt đầu lộ ra "gót chân Achiles" của mình khi bắt đầu có sự xáo trộn về mặt lực lượng, đội hình. Mùa giải trước, mùa bóng mà CLB Hà Nội tung hoành "như chỗ không người" ở đấu trường V.League, người hâm mộ đội bóng này nhắm mắt cũng có thể đọc vanh vách từng vị trí của đội bóng này.
Sự quen thuộc, đồng đều, quá hiểu nhau giữa các cầu thủ đá chính, cũng như những cầu thủ dự bị "hạng nhất" khiến từ CLB Hà Nội toát ra sự đáng sợ với các đối thủ, dẫu cho không ít trụ cột của họ phải cày ải liên tục ở ĐTQG, cũng như U23 Việt Nam.
Những vòng đấu gần đây, với khá nhiều sự thay đổi so với mùa bóng trước, sự đáng sợ ấy dần mất đi, khiến cho các đội bóng dù được đánh giá yếu hơn vẫn không còn quá "sợ hãi" trước họ nữa. Mất đi sự cân bằng, kết nối giữa các vị trí, CLB Hà Nội không còn khiến đối phương phải e dè dù cho bị dẫn trước, phập phồng lo sợ bị đội bóng thủ đô "cho vào bẫy" để kết thúc sớm trận đấu.
Nhận định về lý do CLB Hà Nội liên tục để thủng lưới vào phút bù giờ ở những trận đấu gần đây, Nguyễn Mạnh Dũng chỉ ra: "Chắc chắn là họ vẫn còn động lực, ai vào sân cũng muốn giành chiến thắng. Tuy nhiên, có thể ở cuối trận, họ có tư tưởng thả lỏng đôi chút.
Một chút đó, tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn. Lúc thể lực không còn sung mãn, chỉ cần không quyết tâm, cố gắng trong một pha bóng, anh có tư tưởng thả lỏng là đã thua đối thủ. Nó dẫn tới hệ quả khó lường trước".
Chỉ một tích tắc sơ sẩy, là CLB Hà Nội biến niềm vui của mình thành của đối phương.
Vậy trước đó, khi đang phăm phăm "một mình một ngựa" ở đấu trường V.League, các cầu thủ Hà Nội có "một chút thả lỏng" đó không. Hẳn nhiên là có, nhưng nó không mấy ảnh hưởng, bởi khi đấy có thể họ đã dẫn trước vài bàn, cũng có thể đã áp đặt được thế trận khiến đối phương nản lòng, cũng có thể sự ăn ý, đồng điệu giúp họ trám được những sai lầm của đồng đội nhanh chóng.
2. Suốt thời gian qua, những thành công của HLV Park Hang-seo có sự đóng góp không hề nhỏ của các cầu thủ của CLB Hà Nội. Tuy đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam không tạo được sự "đáng sợ" bằng cái cách mà CLB Hà Nội từng gây ảnh hưởng đến các đối thủ của mình, song sự đồng đều, gắn kết giữa các vị trí tương tự đội bóng thủ đô là rất rõ ràng. Nhắm mắt lại, người hâm mộ Việt Nam cũng có thể kể vanh vách từng vị trí mà thầy Park bố trí trên sân.
Sự vắng mặt đáng tiếc của Đình Trọng để lại nhiều lỗ hổng ở cả CLB Hà Nội lẫn đội tuyển Việt Nam.
Có lẽ, đấy cũng là lý do để ông Park có rất ít sự thay đổi, thử nghiệm ở King's Cup trên đất Thái, dẫu gặp khá nhiều phản ứng từ dư luận. Chính sự quen thuộc, đồng điệu ấy là một trong những yếu tố làm nên sự gắn kết, sức mạnh tinh thần đã trở nên quen thuộc ở những đội tuyển Việt Nam mà HLV Park Hang-seo dẫn dắt qua từng giải đấu thành công.
Song cũng ở King's Cup 2019, đội tuyển Việt Nam cũng bắt đầu bộc lộ ra những điểm yếu, với nỗi lo ở hàng phòng ngự. Cả hai trận gặp Thái Lan và Curacao, trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải liên tiếp bị các cầu thủ tấn công đối phương vượt qua khá dễ dàng, để đối mặt với thủ môn Đặng Văn Lâm.
Có thể Quế Ngọc Hải vẫn chơi khá tốt, nhưng khi thiếu đi mắt xích mang tên Đình Trọng, sự xộc xệch khiến hàng phòng ngự với 3 trung vệ mất đi ít nhiều sự kết dính, để có thể bọc lót cho nhau, thậm chí phân công vị trí ngay từ khi đối phương bắt đầu triển khai bóng.
May mắn, lần tập trung này, đội tuyển Việt Nam có 10 ngày để "ghép nhạc", thay vì vỏn vẹn 3 ngày như dự kiến ban đầu. Ở đó, có lẽ việc đầu tiên thầy Park phải làm là giúp các cầu thủ trụ cột của mình, nhất là các cầu thủ Hà Nội tìm lại được sự đồng đều, gắn kết của mình - điều mà họ đã ít nhiều "đánh rơi" trong thời gian gần đây. Có như thế, yếu tố tinh thần mới vẫn là điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam trong cuộc đối đầu "khó nhằn" trên đất Thái.
Tương tự, với không ít sự mất mát và thay đổi về mặt nhân sự, ông Park sẽ phải tích cực giải "bài toán" cho những nhân tố mới có được sự gắn kết, hòa nhập nhanh chóng với lối chơi của toàn đội, bởi nếu như CLB Hà Nội vẫn còn đó đến 8 trận để "sửa sai" cho "thất bại" trước CLB TP.HCM vừa qua, thì với thầy trò HLV Park Hang-seo, điều đó là xa xỉ. Bởi trước mặt đã là Thái Lan sừng sững mất rồi.