Nghị định thư Kyoto, được thông qua tại hội nghị lần thứ ba các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-3) tháng 12/1997 ở Kyoto (Nhật Bản) và chính thức có hiệu lực ngày 16/2/2005.
Thời điểm ra đời, Nghị định thư Kyoto được coi là một bước ngoặt mang tính lịch sử bởi đây là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người và đây cũng là thành quả đầu tiên kể từ khi các nước ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất, được tổ chức tại Brazil năm 1992.
Điều đáng lưu ý là Nghị định thư Kyoto ra đời chỉ 2 năm sau hội nghị lần thứ nhất các bên tham gia UNFCCC tổ chức tại Berlin (Đức) vào năm 1995 (COP-1), cho thấy các nước đã ý thức được tính cấp bách của vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, kể từ khi Nghị định thư Kyoto được đàm phán, mực nước biển đã tăng trung bình hơn 6cm, và số lượng các thảm họa khí hậu trên toàn cầu đã tăng 42%.
Đây là văn kiện đánh dấu lần đầu tiên các nước trên thế giới đưa ra các cam kết mang tính ràng buộc, giới hạn lượng khí phát thải nhằm cứu hành tinh, thể hiện nỗ lực và trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Văn kiện này đặt khung thời gian 2008 - 2012 để các nước công nghiệp phát triển giảm lượng khí thải nhà kính khoảng 5,2% so với mức của thập niên 1990.
Nhưng không ít vấn đề đặt ra trong quá trình tồn tại đầy trắc trở của Nghị định thư Kyoto. Các nền kinh tế đang phát triển không phải thực hiện nghĩa vụ trong Kyoto. Nói cách khác, mặc dù được hơn 150 nước phê chuẩn, nhưng quy định của Nghị định thư Kyoto thì chỉ áp dụng đối với 35 nước công nghiệp phát triển, và các nước này có 10 năm để chuẩn bị cho nhiệm vụ giảm khí thải nhà kính.
Trong thập niên đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển vũ bão, xả lượng khí thải nhà kính khổng lồ. Năm 2006, Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ, trở thành nước thải khí thải lớn nhất thế giới. Bởi vậy, Quốc hội Mỹ đã từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vì cho rằng thỏa thuận này thiếu công bằng.
Tháng 3/2001, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Nghị định thư Kyoto, với lý do Nghị định thư này sẽ làm ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, dẫn tới giá năng lượng cao hơn và kéo theo việc các nước khác lợi dụng thỏa thuận với khả năng thực thi thấp.
Việc Mỹ, nước công nghiệp hàng đầu rút khỏi Nghị định thư Kyoto đã đẩy thỏa thuận này vào tình thế bấp bênh bởi nghị định thư chỉ có hiệu lực khi được các nước chiếm 55% phát thải toàn cầu phê chuẩn. Mãi tới tháng 11/2004, việc Nga phê chuẩn Nghị định thư mới tạo điều kiện để thỏa thuận này có hiệu lực vào ngày 16/2/2005.
Tuy nhiên, tiến trình thực hiện Nghị định thư Kyodo không hề suôn sẻ. Bất chấp nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên kể từ đó, ngoài Mỹ, các cường quốc khác như Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Nga cũng từ chối thực hiện giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto (từ năm 2013-2020). Canada tuyên bố rút khỏi Nghị định thư năm 2011. Và thực tế là rất nhiều nước phát triển sau đó đã phớt lờ các cam kết giảm khí thải nhà kính của mình.
Đặc biệt, mâu thuẫn giữa các nước giàu và các nước phát triển liên quan tới mục tiêu cắt giảm khí thải cũng gia tăng. Các nước đang phát triển muốn thúc đẩy nền kinh tế, tiếp tục sử dụng những nguồn năng lượng truyền thống gây ô nhiễm nhưng chi phí thấp, cho rằng các nước công nghiệp tiên tiến đã xả rất nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hàng trăm năm qua, là bên phải chịu trách nhiệm về tình trạng biến đổi khí hậu, cụ thể là các nước này phải chi tiền cứu khí hậu Trái Đất.
Trong khi đó, các nước giàu vẫn lo ngại nguy cơ kinh tế suy yếu, đồng thời chỉ trích Nghị định thư Kyoto đã bỏ sót vài nước là nguồn xả khí thải nhiều nhất thế giới.
Đó cũng là lý do các hội nghị từ COP-11 năm 2005, thời điểm Nghị định Kyoto có hiệu lực và các nước bắt đầu thảo luận việc gia hạn thỏa thuận này sau năm 2012, đến hội nghị COP-17 năm 2011, đều không thu được kết quả mong muốn. Đỉnh điểm là COP-15 ở Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, các nước đã không thể nhất trí gia hạn cho thỏa thuận này.
Người biểu tình kêu gọi ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Đức ở Berlin ngày 11/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay trước thời điểm Nghị định thư Kyodo hết hiệu lực ngày 31/12/2012, tại COP- 18 ở Doha (Qatar) các nước mới nhất trí gia hạn thỏa thuận tới năm 2020. Tuy nhiên, ngay cả Văn kiện sửa đổi Doha năm 2012 quy định giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto từ năm 2013 đến 2020, cũng nhưng chưa có hiệu lực do chưa đủ số thành viên phê chuẩn.
Trong quá trình đó, nhiệm vụ của các nước là tìm kiếm thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto. Năm 2015, tại COP-21 ở Paris (Pháp) cả các nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhất trí thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn năm 2020.
Quá trình tồn tại đầy gian nan của Nghị định thư Kyoto khiến văn kiện này bị đánh giá là “thỏa thuận trên giấy”. Thực tế này cho thấy từ quyết tâm đến hành động là khoảng cách khá xa mà cản trở chính luôn là vấn đề lợi ích.
Nhiều kỳ hội nghị COP diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi các quốc gia quyết liệt bảo vệ lợi ích riêng của mình và đây luôn là lý do khiến các bên không thể đạt được tiếng nói chung trong vấn đề cắt giảm khí phát thải. Ngay cả các hội nghị đạt được thỏa thuận, mà điển hình là COP-3 với Nghị định thư Kyodo và COP-21 với Hiệp định Paris, việc thực hiện những thỏa thuận này thực sự rất khó khăn.
Điều đó khiến cộng đồng quốc tế lo ngại Hiệp định Paris có thể lặp lại số phận của Nghị định thư Kyoto, hai văn kiện đều được coi là đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhằm tìm kiếm giải pháp chung hạn chế khí thải nhà kính gập ghềnh và đầy thử thách.
Một vấn đề lớn đặt ra là ngay khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris và tháng 11 năm ngoái, Washinhton đã chính thức khởi động tiến trình rút khỏi thỏa thuận. Một lần nữa, sự vắng mặt của Mỹ lại đặt ra một câu hỏi về giá trị cũng như sự tồn tại của một văn kiện tầm quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
Ngày 4/11/2019, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này. Trong ảnh (tư liệu): Khí thải bốc lên từ ống khói tại nhà máy điện ở Castle Dale, Utah, Mỹ, ngày 8/10/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, còn khá nhiều vướng mắc liên quan đến Hiệp định Paris chưa được tháo gỡ. Đến COP-25 tại Madrid (Tây Ban Nha) tháng 12/2019 vừa qua, thế giới vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021. Các nước tham gia hội nghị không giải quyết được những vấn đề chính yếu nhất, trong đó có việc đặt ra các quy tắc về giao dịch hạn ngạch phát thải carbon và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chi trả cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong khi chờ đợi, Liên minh châu Âu (EU) - một trong các bên cam kết ràng buộc pháp lý từ thời Nghị định thư Kyoto - mới đây đã có bước tiến đáng kể khi công bố Hiệp ước xanh, đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức của năm 1990, và đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2050 (tức là lượng khí carbon do con người và các hoạt động của con người thải ra cân bằng với lượng hấp thụ khí thải này của các bể chứa carbon tự nhiên hoặc nhân tạo). Tuy nhiên, Thỏa thuận Xanh của EU đang đối mặt với những khó khăn tài chính dù Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Năm 2019, thế giới chứng kiến những tác động khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu rõ rệt hơn bao giờ hết: những đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng chưa có tiền lệ xảy ra ở khắp nơi từ Nam Mỹ tới Australia, những trận lũ lụt lịch sử ở Sri Lanka hay CHDC Congo, mưa tuyết nghiêm trọng, bão trái mùa tại Mỹ…
Trong khi đó, giới khoa học cảnh báo mục tiêu cắt giảm khí thải của nhiều quốc gia là không đủ để ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng quá 2 độ C. Theo báo cáo của các nhà khoa học United In Science, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,9 - 3,4 độ vào năm 2100, bất chấp các nỗ lực nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nguy cơ hệ thống khí hậu của Trái Đất bị đẩy vào thảm kịch trở thành “hành tinh nóng không thể sống nổi” là có thật. Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành thách thức lớn nhất với hòa bình và an ninh thế giới, hơn cả chủ nghĩa khủng bố.
Thế giới không còn nhiều thời gian nữa. “Quả bom” khí hậu đang chực nổ, và không có “hành tinh B” cho chúng ta. Trái Đất cần lắm một quyết tâm mạnh mẽ tại COP-26 ở Glasgow (Scotland) vào năm 2021, nơi những vấn đề khó nhằn nhất sẽ được đưa lên bàn thảo luận. Không thể để sự tồn tại đầy thăng trầm của Nghị định thư Kyoto kết thúc bằng một con số 0.