Từ thảm kịch Itaewon tại Hàn Quốc: Làm gì khi bị đám đông giẫm đạp?

DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN |

Những sự kiện tụ tập đông người tiềm ẩn những nguy hiểm khi có chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau. Nếu không may rơi vào đám đông hoảng loạn, cần làm gì để thoát khỏi tình huống nguy hiểm này?

Từ thảm kịch Itaewon tại Hàn Quốc: Làm gì khi bị đám đông giẫm đạp? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ giẫm đạp ở khu Itaewon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 29-10 - Ảnh: YONHAP

Phải làm gì khi ta ở trong một đám đông hỗn loạn?

Nhiều vụ thảm kịch xảy ra

Chỉ trong tháng 10-2022, liên tiếp những thảm kịch do giẫm đạp tại sự kiện đông người. Mới đây, đêm lễ Halloween hôm 29-10 ở khu phố Itaewon của Seoul (Hàn Quốc) biến thành thảm kịch khi đám đông dồn xuống một con dốc hẹp, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau khiến 153 người chết và hàng chục người bị thương.

Trước đó, ngày 1-10 trong sân vận động tại Indonesia, 131 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh dùng hơi cay nhằm giải tán các cổ động viên quá khích tràn vào sân cỏ sau trận bóng, dẫn tới tình trạng giẫm đạp lên nhau tại các cửa ra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ , bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 - cho biết nguyên nhân tử vong trong đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau chủ yếu là do nghẹt thở, khi bị chèn ép, xô đẩy quá mức dẫn đến phổi thiếu oxy, không thể thở được.

Thêm vào đó khi bị té ngã sẽ giẫm đạp lên nhau dẫn đến vừa chấn thương vừa thiếu oxy để thở. Đặc biệt là về phần tâm lý khi bị đám đông chen lấn, xô đẩy nhiều người sẽ có tâm lý hoảng loạn, sợ hãi, la hét - đây là yếu tố khiến nghẹt thở trở nên trầm trọng hơn.

Theo bác sĩ Trần Anh Thắng - phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội - khi đám đông giẫm đạp lên nhau có thể gây nhiều thương tích cho nạn nhân. Phổ biến nhất là những chấn thương ở đầu, chấn thương vùng ngực, bụng hay gãy tay, chân tùy vào vị trí bị giẫm đạp. Trong đó, những chấn thương gây ngưng tim, ngưng thở đa số do chấn thương vùng đầu và ngực.

Bình tĩnh tìm cách thoát, không hoảng loạn

Theo bác sĩ Thắng, những nguy cơ thường xảy ra ở những sự kiện tập trung đông người trong không gian hẹp như con phố nhỏ, nhà hát, sân vận động. Nguyên nhân dẫn đến hoảng loạn như xảy ra bạo lực trong khu vực diễn ra sự kiện hoặc do có vấn đề xảy ra khiến nhiều người muốn thoát khỏi khu vực đó.

"Ví dụ sự kiện có người ngất, thay vì đưa nạn nhân đi cấp cứu thì nhiều người muốn thoát ra ngoài. Điều này cũng dẫn đến việc chen lấn, xô đẩy dẫn đến thương vong", ông Thắng nêu.

Theo bác sĩ Thắng, khi thấy đám đông có sự xô đẩy, chen lấn hoảng loạn, việc quan trọng nhất là phải bình tĩnh.

"Với những sự kiện có đơn vị tổ chức sẽ có các lực lượng cấp cứu, cứu nạn túc trực. Ngay khi tham gia sự kiện, người dân cần phải chú ý vị trí của những lực lượng này. Khi thấy những biểu hiện như khó thở, ngất... hãy nói với những người xung quanh để giúp đỡ.

Mọi người nên bình tĩnh, tản ra để giúp đỡ lực lượng cứu hộ đến cấp cứu và đưa nạn nhân ra ngoài. Trong trường hợp đã xảy ra xô đẩy, chen lấn giẫm đạp, càng cần phải bình tĩnh hơn.

Hãy cố gắng hít thở đều, đặt tay lên trước ngực và di chuyển theo dòng người đang xô đẩy. Cố gắng di chuyển chéo sang hai phía để thoát khỏi đám đông, không nên đi vào bên trong", bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Ông Thắng nói thêm trong thảm họa tùy từng tình trạng chấn thương để phân loại nạn nhân cụ thể. Trong đó, nếu nạn nhân còn nhịp tim, còn thở sẽ được tìm cách đưa đi bệnh viện sớm. Còn ở những người ngừng tim, ngừng thở sẽ phải tiến hành kỹ thuật hồi sinh tim phổi, nhồi tim và thổi ngạt.

Ngoài lực lượng y tế, lực lượng cứu hỏa trong sự kiện hay ai có kỹ năng đều có thể thực hiện hỗ trợ.

Bác sĩ Long lưu ý tại những sự kiện đông người tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khác nhau như: thất lạc người, mất tài sản, thường mất kiểm soát dẫn đến chen lấn, xô đẩy. Do đó khi tham gia đám đông không nên mang đồ đạc nhiều, không sử dụng túi đeo có nhiều dây nếu có hoảng loạn khiến đám đông siết, kéo rất nguy hiểm.

Ngoài ra có thể mang giày thể thao để di chuyển, chú ý quan sát các lối ra an toàn, các cửa thoát hiểm. Nếu thấy xung quanh đám đông bắt đầu đông lên, có sự đụng chạm từ 2-3 người thì cần tìm cách thoát khỏi đó.

Các tư thế phòng thủ khi bị giẫm đạp, chen lấn

Về tư thế phòng bị khi bị chen lấn, xô đẩy, bác sĩ Long khuyến cáo cần co hai tay trước ngực di chuyển phòng thủ giống như vận động viên quyền anh. Chính điều này sẽ tạo ra khoảng trống ở lồng ngựa để dễ thở.

Nếu đám đông di chuyển cần nương theo và đi xéo để rời ra vòng ngoài bằng cách tìm những vị trí định sẵn như gốc cây, tòa nhà...

Tuyệt đối không đi ngược lại đám đông để tìm đồ hay tìm người thất lạc rất nguy hiểm.

"Nếu chẳng may bị ngã xuống đất cố gắng đứng lên nhanh nhất có thể. Nếu không thì hãy cuộn tròn người như quả bóng, tay ôm đầu để bảo vệ bụng và giúp phổi dễ thở. Tuyệt đối không được la hét, cần hết sức bình tĩnh", bác sĩ Long nói.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo với những người mắc bệnh tim mạch, trẻ em không nên vào nơi đám đông sẽ dễ bị thiếu oxy gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại