Chị Nguyễn Thị Tuyên - Ảnh: TRẦN MAI
Còn với người công nhân nghèo Nguyễn Thị Tuyên (32 tuổi, phường 4, TP Đông Hà), chị trả lại số vàng nhặt được cho ông Ẩn bởi đó không phải của mình. "Đói cho sạch, rách cho thơm. Đó là việc tôi chắc chắn phải làm", chị Tuyên nói.
Và rồi người phụ nữ nghèo ấy đã nhận được nhiều hơn từ chính sự lương thiện của mình.
Tôi nghĩ ngàn người mới có một người
Chuyện đã trôi qua hơn một tháng nhưng ông Ẩn vẫn chẳng thể quên được. Người đàn ông có nước da sạm đen ấy vẫn nhớ chính xác hôm mình đánh mất túi xách, bên trong có chứa 7,5 chỉ vàng.
"Đó là ngày 11-11, tôi từ thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) trở về nhà chuẩn bị đám cưới cho con trai. Số vàng ấy là vợ chồng tôi tích cóp để làm của hồi môn cho con", ông Ẩn nói.
Hôm đó, để về nhà lo đại sự, vợ ông đi xe đò, còn ông Ẩn đi xe máy, túi xách ấy ông đã cẩn thận buộc chặt phía sau yên xe. Trên hành trình gần cả trăm cây số từ cửa khẩu về TP Đông Hà, nhiều lần ông dừng xe cẩn thận buộc lại dây. Nhưng khoảng 13h chiều, khi về gần đến TP Đông Hà, lúc qua đường tránh, ông có né mấy xe tải, dây buộc túi xách bung ra lúc nào không hay.
"Về đến nhà, tôi mới phát hiện túi xách không còn, đoán là rơi ở đoạn qua huyện Cam Lộ thôi. Tôi có quay lui đi tìm và hỏi người dân xem có ai nhặt không, nhưng chẳng ai thấy", ông Ẩn kể.
Ông Ẩn bảo vợ chồng đã lớn tuổi, lại không có việc làm ổn định nên phải từ TP Đông Hà lên tận cửa khẩu Lao Bảo mưu sinh. Vợ chồng ông đã thức khuya dậy sớm với quán ăn nơi đường biên. Bao năm nín nhịn tích lũy, chuẩn bị khi con lập gia thất, mang vàng về tặng. Cả đoạn đường trong niềm vui, ông Ẩn bỗng chốc thẳm buồn vì bất cẩn.
Tìm không ra, ông trở về nhà ngồi thở dài và cũng chẳng biết tìm đâu ra "của hồi môn" tặng con. Lúc vô vọng, người thân động viên, một người con bảo: "Hay để con đăng lên Facebook xem có ai nhặt được không, biết đâu có người tốt họ trả lại".
Cảm xúc của ông Ẩn lúc đó là không hy vọng, ông nghĩ đó chỉ là động tác trấn an của con cái. Chỉ có một điều duy nhất ông tự xoa dịu nỗi lòng là bao năm bán quán ăn, nhặt được điện thoại, ví tiền của khách thì ông đều cất giữ và trả lại.
Nghĩ đến đó, ông mới le lói chút hy vọng. Dù chính ông biết khi nhặt số tiền nhỏ, "vật lộn" với lòng tham trỗi dậy không phải chuyện dễ. Nói chi số vàng ông đánh mất tính ra hơn 40 triệu đồng.
Con ông đăng câu chuyện đánh mất túi xách lên Facebook, nhiều người chia sẻ nhưng từng giờ trôi qua chẳng có tín hiệu hồi âm nào. Lúc ông chấp nhận mất số vàng, tập trung lo tổ chức hôn lễ thì bất ngờ điện thoại đổ chuông.
Bên kia đầu dây, một giọng nữ nói: "Tôi có nhặt được một túi xách, có vàng nữa, lên nhà tôi xem có phải không", ông Ẩn kể.
Như người đuối nước vớ được chiếc phao. 19h tối, ông Ẩn theo địa chỉ tìm đến nhà và lập tức nhận ra túi xách cùng số vàng của mình. Trong niềm vui là sự cảm phục khi nhìn vào căn nhà nhỏ bé, trơ gạch của ân nhân.
"Sau này tôi nghe khi chị Tuyên nhặt được vàng, có người nói chị giữ lại mà sửa nhà. Nhưng chị ấy không làm vậy, vẫn tìm cách trả lại. Thật sự tôi cảm phục tấm lòng thiện lương của chị. Ngàn người mới có một người như vậy", ông Ẩn nói.
Ông Ẩn (phải) rất cảm kích và trân quý tấm lòng của chị Tuyên, hơn 1 tháng qua ông vẫn suy nghĩ và cảm phục chị Tuyên - Ảnh: TRẦN MAI
Lòng tốt tiếp nối
Chị Tuyên là công nhân tại Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ, thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, chồng và con hay đau ốm, thường xuyên "tới lui" bệnh viện. Mỗi ngày chị vẫn cố gắng lao động, kiếm từng đồng chăm lo, gồng gánh tổ ấm cheo neo của mình.
Đời nghèo, cái ăn cái mặc luôn phải nín nhịn nhưng hình ảnh của chị trong mắt mọi người rất chăm chỉ, thật thà. Bởi vậy những người biết chị chẳng ai bất ngờ khi chị trả lại của rơi. Dù với một công nhân, làm lụng cả năm thì chị Tuyên cũng chẳng tích cóp được số tiền lớn đến vậy.
Cái hôm chị Tuyên nhặt được túi xách, chị đang từ nhà đến công ty làm ca chiều, khi đến đoạn đường qua xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) thì nhìn thấy túi xách rơi bên lề đường. Chị dừng xe nhặt, kiểm tra thấy có nhiều quần áo, bên trong có thêm túi nhỏ đựng dây chuyền và nhẫn vàng.
Biết có người đánh rơi, chị tìm cách trả lại. Nhưng hôm đó còn bận vào làm, chị đành mang túi xách đến công ty. Chị thật thà kể với mọi người ở nơi làm việc và nói đến chiều tan ca trở về nhà sẽ giao lại cho công an để tìm người mất trả lại.
Kết thúc công việc, chị trở về nhà thì trời đã tối, mở điện thoại lên xem tin tức, thấy trên Facebook có thông tin ông Ẩn đánh rơi túi xách. Đoạn đường đánh rơi cũng tương tự nơi chị nhặt được. Thấy số điện thoại kèm theo, chị gọi điện, báo mình có nhặt được một túi xách y như vậy, người mất đến nhà xem có phải không thì nhận lại.
"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu mình mất số vàng đó sẽ mất ăn mất ngủ, thì người mất cũng vậy. Nên từ khi nhặt, tôi chỉ muốn trả lại. Có phải của mình đâu", chị Tuyên thật thà.
Người mẹ trẻ có nụ cười hiền lành ấy từ ngày trả lại túi xách bất đắc dĩ trở nên nổi tiếng khắp Đông Hà. Nhiều người đã kể lại câu chuyện của chị và xem đó là nghĩa cử cao đẹp. Chị Tuyên cũng ngại lắm, thẳm sâu trong lòng chị không nghĩ đó là chuyện lớn lao. Nhưng nói như ông Ẩn, vượt qua lòng tham không phải dễ.
Sự thật thà của chị Tuyên không chỉ khiến ngày vui của gia đình trọn vẹn hơn mà còn gửi đến ngày cưới của con bài học về sự lương thiện. "Tôi nghĩ câu chuyện này sẽ dạy các con sống một đời tử tế", ông Ẩn nói.
Lòng tốt là cơn gió mát, thổi vào hồn nhau sự bình yên. Và chắc chắn trên đời này, không có điều gì tiếp nối vững bền hơn sự tử tế. Chị Tuyên trao đi thật thà và lãnh đạo công ty nơi chị làm việc đã tiếp nối những nghĩa cử ấy. Tổng công ty Thương mại Quảng Trị khi hay chuyện đã lập tức biểu dương và thưởng nóng cho chị Tuyên 20 triệu đồng.
Là người sử dụng lao động, ai chẳng hạnh phúc khi trong hàng ngũ có một người như chị Tuyên. Sau biểu dương, đích thân lãnh đạo công ty đã đến nhà thăm hỏi. Chứng kiến gia cảnh khó khăn cùng căn nhà ọp ẹp của người công nhân thật thà, sau lời động viên, một quyết định đầy yêu thương là hỗ trợ chị Tuyên xây dựng lại ngôi nhà mới khang trang hơn. Tổng công ty Thương mại Quảng Trị muốn gửi đi thông điệp của sự tử tế, thành thật luôn nhận lại những điều lớn lao hơn.
Ông Hồ Xuân Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, cho biết: "Việc chị Tuyên làm thật ấm áp. Tôi nghĩ những gì công ty đã và đang làm là xứng đáng với chị ấy.
Đáng ra chúng tôi sẽ hỗ trợ xây nhà cho chị ngay, nhưng cuối năm không kịp. Qua năm, công ty phối hợp công đoàn ngành công thương và gia đình tính toán chi phí xây nhà. Chúng tôi muốn tiếp nối câu chuyện đẹp mà chị đã làm".
Người phụ nữ thật thà với vẻ ngoài rụt rè vừa cảm kích vừa bất ngờ. Chị có bao giờ nghĩ "việc nhỏ" mình làm lại nhận về căn nhà. Điều đó ngoài suy nghĩ của người mẹ trẻ. "Tôi trả lại tài sản nhặt được vì đó là việc phải làm. Tôi quá bất ngờ khi công ty tuyên dương và tặng một ngôi nhà. Tôi sẽ kể cho các con về mái ấm nghĩa tình này", chị Tuyên nói.