Trải dài nhiều tầng trên diện tích hàng trăm nghìn mét vuông, khu chợ là nơi tập trung của các chủ cửa hàng bán mọi loại linh kiện để lắp ráp một chiếc điện thoại thông thường - camera, bảng mạch chủ, khung, màn hình và phụ kiện. Khách hàng chỉ cần mua đúng loại và biết cách lắp mọi thứ là đã có điện thoại mới để sử dụng.
Và không chỉ điện thoại thông minh, người mua hàng có thể tìm linh kiện cho hầu hết tất cả các loại thiết bị điện tử phổ thông, ví dụ như pin sạc dự phòng và thiết bị bay (drone).
Có thể thấy rõ ràng rằng các quầy hàng ở đây đã sao chép công nghệ từ hãng lớn. Thiết kế của các thiết bị Apple và Samsung được "ưa chuộng" hơn hết. Nhưng theo phóng viên của CNN, thị trường Trung Quốc cũng đã có những bước phát minh không thể chối cãi. Một số thợ lành nghề đã và đang kết hợp các linh kiện để tạo ra phiên bản cải tiến hơn của thiết bị sẵn có.
Thị trường liên tục phát triển đã cho thấy sự tiến bộ không ngừng của công nghệ Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng quan điểm coi Trung Quốc chỉ là xưởng sản xuất của các công ty nước ngoài là cách nghĩ sai lầm và lạc hậu.
"Có hàng đống phát minh đang được thực hiện trên quy mô rộng ở Trung Quốc. Sự phát triển đang diễn ra rất nhanh chóng mà đa phần thế giới bên ngoài đều không hay biết," Christian Grewell, một giáo sư kinh tế tại Đại học New York Thượng Hải (NYU Shanghai), bình luận.
Ông dẫn chứng một số nhà sản xuất điện thoại như Xiaomi đã thường xuyên nâng cấp phần mềm dựa trên phản hồi của khách hàng, và Trung Quốc ngày nay áp dụng hình thức thanh toán số rất nhanh thông qua ứng dụng WeChat và Alipay.
"Thiên đường" phần cứng
Từng là một làng chài nhỏ, Thâm Quyến ngày hôm nay là một thành phố lớn với dân số lên tới hơn 12 triệu người.
Cùng với các thành phố khác trải dọc Đồng bằng sông Châu Giang, miền nam Trung Quốc, Thâm Quyến phát triển nhanh chóng vào những năm 1980 và 1990 khi liên tục sản xuất các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng xuất đi toàn thế giới. Nhưng ngày hôm nay, thành phố này còn được xem là "đối thủ nặng ký" với Thung lũng Silicon của Mỹ, là nhà của những người khổng lồ công nghệ như Tencent và Huawei.
Thâm Quyến đã thu hút một lượng lớn những tài năng trẻ, giàu tham vọng và tìm kiếm cơ hội tại trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Thành phố này đã sản sinh ra những công ty khởi nghiệp như DJI - nhà sản xuất drone phi quân sự lớn nhất thế giới.
"Nếu bạn có ý tưởng, bạn có thể nhanh chóng đánh giá nó và tìm nhà máy sản xuất sản phẩm đó cho bạn, Jasen Wang - CEO của công ty công nghệ giáo dục Makeblock - cho hay.
Công ty này sản xuất những mảnh ghép để trẻ em có thể lắp ráp những thứ như xe đua hoặc robot biết đi - và sau đó lập trình cho chúng. Sản phẩm và phần mềm của Makeblock được thiết kế để dạy trẻ em ngôn ngữ lập trình máy tính theo một cách thú vị.
Thâm Quyến đã cung cấp số phần cứng cần thiết cho công ty này với giá trị ước tính khoảng 350 triệu USD trong lần hỗ trợ gần đây nhất. Ngoài ra, Makeblock còn có những đội ngũ nhân sự tài năng.
"Có rất nhiều công ty lớn ở đây, nên tìm kĩ sư phát triển phần cứng cũng rất dễ dàng. Bạn không thể có được lợi thế như vậy ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải".
Tốc độ vượt bậc
Thâm Quyến được cho là nơi có tốc độ giải quyết công việc ở mức rất cao.
Steven Yang - CEO của công ty công nghệ pin Anker Innovations - cho biết: "Nếu bạn muốn phát triển sản phẩm nhanh chóng, tôi nghĩ bạn nên ở Trung Quốc - và cụ thể nhất là ở Thâm Quyến. Bất kì thứ gì bạn muốn hoàn thiện trong vài ngày hoặc vài tuần ở những nơi khác, bạn có thể có ngay sau vài giờ ở Thâm Quyến."
Yang, cựu nhân viên Google, đã đưa Anker trở thành một trong những nhà sản xuất pin cho điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Năm ngoái, công ty này thu về hơn 500 triệu USD, và sản phẩm của hãng được bán thường xuyên trên Amazon và Walmart.
Bên trong khu chợ công nghệ ở Thâm Quyến
Theo ông Yang, 10 năm trước, Thâm Quyến là tổng hợp của "90% sao chép và 10% đổi mới", còn ngày nay là "30% sao chép và 70% đổi mới".
Các doanh nghiệp nước ngoài đồng ý rằng những công ty Trung Quốc đang chiếm lấy phần hơn trên thương trường.
Trong bản báo cáo thường niên bởi Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, đây là lần đầu tiên đa số đại biểu thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc "ngang bằng hoặc phát triển hơn các doanh nghiệp Châu Âu".
Nhức nhối vấn đề bản quyền
Tuy không thể phủ nhận sự đổi mới tại Thâm Quyến, thành phố này vẫn chứng kiến tình trạng vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Ngành công nghiệp "sao chép" vẫn đang hoạt động rất mạnh, iPhone và giày dép nhái vẫn được bán công khai ở nhiều nơi.
Chính quyền ông Trump cũng rất quyết liệt và tuyên bố rằng tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ là một trong những nguyên nhân chính cho chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia cho biết chính phủ Trung Quốc phải làm nhiều hơn nếu muốn trở thành trụ sở công nghệ toàn cầu.
Ông Yang nói: "Nếu Trung Quốc muốn quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, tôi nghĩ Bắc Kinh nên tham gia cộng đồng quốc tế về vấn đề sở hữu trí tuệ".